Những cú đòn pháp lý “tiên hạ thủ vi cường”
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ ở Mỹ (Ảnh: Getty). |
Khi đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden còn nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, các ủy ban của cơ quan lập pháp này đã mở nhiều cuộc điều tra nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Trong đó, đáng chú ý nhất là Ủy ban đặc biệt điều tra mối liên quan giữa cựu tổng thống Donald Trump với cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021, cuộc bạo loạn được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ nhằm vào cơ quan lập pháp nước này.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sau đảng Cộng hòa của ông Donald Trump giành chiến quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tháng 11/2022, Ủy ban đặc biệt điều tra trên nhiều khả năng sẽ bị giải tán khi Quốc hội Mỹ khó mới nhóm họp trở lại. Nhiều ủy ban của Hạ viện Mỹ cũng chuyển lãnh đạo từ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa.
Việc chiếm đa số ghế tại Hạ viện mang lại nhiều lợi thế cho đảng Cộng hòa, nhất là trong bối cảnh đảng của cựu Tổng thống Donald Trump không thể giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Trong thế chia rẽ lưỡng đảng sâu sắc như hiện nay, nắm quyền kiểm soát Hạ viện sẽ là đòn bẩy để đảng Cộng hòa gây ra nhiều khó khăn, cản trở với các sáng kiến lập pháp trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Với đa số ghế, quyền lãnh đạo Hạ viện và các ủy ban của cơ quan lập pháp này cũng thay đổi đáng kể với nhân sự lãnh đạo mới là các thành viên của đảng Cộng hòa, trong đó hạ nghị sĩ Kevin McCarthy gần như chắc chắn sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện tiếp theo thay thế bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ. Việc kiểm soát các ủy ban chủ chốt của Hạ viện giúp đảng Cộng hóa xây dựng các dự luật để gây sức ép với Nhà Trắng và điều được cho là chắc chắn sẽ xảy ra là mở các cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Joe Biden cũng như thành viên gia đình ông.
Lưỡng viện Quốc hội mới của Mỹ phải sang tháng 1/2023 mới nhóm họp nhưng đã có hàng loạt chỉ dấu cho thấy lãnh đạo mới của các ủy ban thuộc Hạ viện là người đảng Cộng hòa sẽ mở một số cuộc điều tra, bao trùm nhiều lĩnh vực, từ nguồn gốc đại dịch Covid-19 đến việc Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị tòa án phê chuẩn lệnh khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 8/2022… Trong đó đáng chú ý có thể là cuộc điều tra nhằm vào các giao dịch làm ăn ở nước ngoài của ông Hunter Biden, con trai đương kim Tổng thống Joe Biden.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa vẫn thường công khai đặt nghi vấn rằng ông Hunter Biden có xâm phạm an ninh quốc gia nước Mỹ hay không khi thực hiện giao dịch kinh doanh ở Ukraine và Trung Quốc. Một số nghị sĩ có quan điểm cứng rắn của đảng Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi luận tội Tổng thống Joe Biden cùng Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas. Bên cạnh đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng đã liệt kê danh sách một loạt cuộc điều tra có thể được tiến hành khi chính thức nắm quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này từ tháng 1/2023, trong đó có cả quyết định gây tranh cãi trước đây của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan hồi năm 2021.
Chưa biết những đòn tấn công pháp lý mà đảng Cộng hòa tính tung ra nhằm vào chính quyền và cá nhân Tổng thống Joe Biden cùng gia đình sẽ ra sao, song có lẽ ông chủ Nhà trắng và đảng Dân chủ không thể ngồi yên. Với lợi thế nắm giữ Nhà trắng và Thượng viện, đảng Dân chủ cũng có không ít “vũ khí” lợi hại để tung ra các đòn tấn công pháp lý nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump.
Hiện phe Dân chủ vẫn đang theo đuổi vụ kiện được cho tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ với tương lai chính trị, đặc biệt là cuộc chạy đua tái tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump, đó là bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021 khiến 5 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ông Donald Trump sau khi rời Nhà trắng vẫn cho rằng cuộc điều tra nhằm vào ông trong vụ bạo loạn này là một cuộc “săn phù thủy” nhằm đánh lạc hướng cử tri khỏi những yếu kém điều hành mà đảng Dân chủ phạm phải. Tuy nhiên, phe Dân chủ không cho rằng như vậy, ủy ban điều tra thuộc Hạ viện Mỹ hồi tháng 10 vừa qua đã triệu tập ông Donald Trump và yêu cầu cung cấp những tài liệu liên quan.
Con đường trở lại Nhà trắng xem ra càng chông gai thêm với cựu Tổng thống Donald Trump khi ông phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý khác ngay khi vừa tuyên bố tái khởi động cuộc tái tranh cử tổng thống. Một trong những vụ nghiêm trọng mà cựu tổng thống đang phải đối mặt là cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về nghi vấn ông đã “chuyển các tài liệu mật đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago sau khi rời nhiệm sở”.
Thách thức pháp lý còn bủa vây ông Donald Trump khi Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ đang tiến hành thu thập hồ sơ thuế của ông trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2020. Cuộc chiến pháp lý về hồ sơ thuế của ông Donald Trump được cho là một trong loạt rắc rối pháp lý đối với cựu tổng thống trong bối cảnh ông đã tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.
Mới đây nhất, nữ nhà báo E. Jean Carroll vào ngày 24/11/2022 đã lần thứ hai khởi kiện cựu Tổng thống Donald Trump về tội “phỉ báng và bạo hành” mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ vụ cáo buộc hiếp dâm 27 năm trước. Ông Donald Trump đã phủ nhận mọi cáo buộc trong lần khởi kiện lần thứ nhất, song nữ cựu nhà báo của tạp chí Elle căn cứ theo một luật mới được thông qua tại bang New York để tiếp tục khởi kiện lần hai, bởi luật mới này cho phép các nạn nhân bị tấn công tình dục kiện người tấn công họ dù vụ việc xảy ra rất lâu về trước và đã hết thời hiệu để khởi kiện.
Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng phủ nhận rằng, các vụ kiện tụng hay điều tra nhắm vào đương kim và cựu tổng thống không có mục tiêu chính trị. Thế nhưng, giới phân tích không cho rằng như vậy. Cựu Tổng thống Donald Trump đã chính thức tuyên bố tái tranh cử và đương kim Tổng thống Joe Biden được cho cũng sẽ làm điều tương vụ “vào thời điểm thích hợp”.
Cả ông Joe Biden và Donald Trump đều là những ứng cử viên sáng giá cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2024, thế nên, tung ra đòn tấn công pháp lý ngay lúc này từ hai phía Dân chủ và Cộng hòa, theo giới phân tích, chính là nhằm “tiên hạ thủ vi cường” để gây khó khăn, cản trở đối thủ tiềm năng và nặng ký của nhau sau đây 2 năm.
Lấp "khoảng trống" pháp lý để hỗ trợ trẻ theo mẹ di cư hồi hương chưa có khai sinh, quốc tịch Thủ tướng cho rằng, các địa phương, các ngành cần "giải bài toán thực tế" để những trẻ em theo mẹ hồi hương vẫn được mưu cầu hạnh phúc như bao trẻ khác. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến thăm chính thức Trung Quốc, sáng 1/11, tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. |