Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 6 năm 2020
Chính sách có hiệu lực tháng 5: Có tiền bảo lãnh sẽ không bị giữ xe vi phạm |
Ấn Độ thay đổi lớn trong chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) |
Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2020 có nhiều điểm mới
Cụ thể, quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 22/6/2020. Quy chế này có một số điểm mới so với trước.
Đầu tiên là mở rộng diện tuyển sinh. Về điều kiện dự tuyển, so với năm trước chỉ có thí sinh quốc tịch Việt Nam thì quy chế mới còn có thêm 2 nhóm thí sinh khác cũng được dự tuyển đại học, cao đẳng nếu đáp ứng đủ tiêu chí là thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam (sau đây gọi chung là tốt nghiệp THPT) và thí sinh là người nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Từ năm 2020, do Luật giáo dục 2019 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 do vậy từ năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Về đề án tuyển sinh: Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án; gửi Đề án về Bộ GDĐT ngay sau khi đăng trên trang thông tin điện tử của trường.
Trong trường hợp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nếu số thí sinh trúng tuyển không đủ điều kiện để tổ chức lớp học thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết, không trái quy định của pháp luật hoặc báo cáo Bộ GDĐT để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Quy chế này cũng quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định việc tuyển sinh không áp dụng một số điều, khoản theo Quy chế này trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh,... và các trường hợp bất khả kháng khác nhưng không được trái quy định của pháp luật. Ngoài ra quy chế này cũng bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực,..).
Tự ý cho thuê ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 29/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.
Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề
Nội dung này được đề cập tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Bãi bỏ nhiều văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Để phù hợp với pháp luật hiện hành, ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28 năm 2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.
Cụ thể, Thông tư này đã bãi bỏ một số văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như:
- Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.
- Thông tư số 99/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
- Thông tư số 121/2011/TT-BTC hướng dẫn một số điều về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013...
Cấm kê biên lương thực cho người lao động
Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại sẽ có hiệu lực từ 1/6. Theo nghị định, các biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng với pháp nhân thương mại gồm phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản; tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu.
Tuy nhiên, Nghị định 44 nghiêm cấm kê biên một số tài sản của pháp nhân như vật phục vụ quốc phòng, an ninh; thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị phục vụ an toàn lao động, phòng cháy...
Ngược lại, nếu pháp nhân thương mại không còn tài sản, cơ quan thi hành án hình sự có quyền kê biên, xử lý tài sản của pháp nhân thương mại đang cầm cố, thế chấp hoặc đang do người thứ ba giữ.
Các tài sản là vốn góp; phương tiện giao thông; quyền sở hữu trí tuệ; tài sản gắn liền với đất… đều có thể trở thành đối tượng bị kê biên.
Phải xin phép khi vận chuyển chất nguy hiểm
Tổng cộng, có 2.921 loại hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường hoặc trên đường thủy nội địa.
Muốn vận chuyển các hàng hóa này, cá nhân hoặc tổ chức phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, những người vận chuyển, bốc dỡ, áp tải… đều phải được tập huấn trước khi làm nhiệm vụ.
Nghị định 42/2020 cũng yêu cầu, không được vận chuyển xăng, gas, các chất dễ cháy qua hầm có chiều dài hơn 100m hoặc chở cùng hành khách trên một phương tiện.
Nghị định 4/2020 sẽ có hiệu lực từ 1/6.
Tiếp tục chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, cải thiện kinh tế nông thôn Việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người nông dân giảm bớt ... |
Hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại Mường Chà (Điện Biên) Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ... |
Dịch COVID-19: Hoàn tất chi trả hỗ trợ cho đối tượng chính sách trong tháng 5 Trong tháng 5, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành chi trả hỗ trợ an sinh xã hội cho đối tượng chính sách gặp ... |