Những bước đi tiên phong của Vinamilk
Trong cơ cấu doanh thu, mặc dù thị trường nội địa đang chiếm tỷ trọng lớn, nhưng Vinamilk đang có những nỗ lực gia tăng nguồn thu từ nước ngoài.
Theo bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk, các chuyển động của Vinamilk cốt để gia tăng giá trị lợi ích cho cổ đông và hướng tầm nhìn đến thị trường quốc tế.
Xây nền vững chắc
Cách đây 2 năm, một cổ đông đã chất vấn bà Mai Kiều Liên, tại sao lại chia cổ tức một nửa bằng tiền mặt và một nửa bằng cổ phiếu thưởng? Hơn thế nữa, lợi ích của cổ đông - những người góp vốn vào công ty - lại không bằng lương thưởng của nhân viên Vinamilk?
Thời điểm đó, bà Liên là Tổng giám đốc công ty đồng thời kiêm luôn vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị Vinamilk đã trả lời, chưa năm nào chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông mà sau đó giá cổ phiếu lại không tăng, như vậy cổ đông hưởng lợi ích kép là vừa có cổ tức vừa có cả khoản lợi vốn. Sau câu trả lời này, bà Mai Kiều Liên cũng đồng thời tuyên bố, sẽ không kiêm nhiệm hai vị trí cùng một lúc nữa.
Có thể hiểu, quan điểm của bà Liên muốn đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông bằng cách tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bởi vì, chủ tịch hội đồng quản trị cũng là người tham gia vào việc hoạch định, phê chuẩn, giám sát chiến lược hoạt động kinh doanh của công ty, trong khi tổng giám đốc có nhiệm vụ điều hành, thực thi chiến lược đó. Sự bất cập của việc kiêm nhiệm là đặt bà vào thế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ dẫn đến sự không khách quan và lạm quyền.
Và sau đó, bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank được bầu làm Chủ tịch hội đồng quản trị Vinamilk, còn bà Liên giữ vị trí Tổng giám đốc. Một điều khá thú vị, bà Tâm hoàn toàn không có một lợi ích nào tại Vinamilk hay nói cách khác bà đảm nhiệm vị trí này với tư cách là thành viên độc lập.
Chính động thái này khiến các cổ đông có thể yên tâm rằng, các quyết sách mà bà Tâm với lá phiếu biểu quyết của mình tại hội đồng quản trị là hoàn toàn công tâm, vì không đại diện cho bất kỳ nhóm cổ đông nào để gây xung đột lợi ích cho các cổ đông.
Giờ đây, Vinamilk lại đã viết một câu chuyện khác. Công ty loại bỏ ban kiểm soát để áp dụng mô hình tiểu ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, Luật Doanh nghiệp cho phép công ty cổ phần được lựa chọn mô hình hai cấp gồm: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và ban kiểm soát. Đây là mô hình đang được các công ty cổ phần tại Việt Nam áp dụng khá phổ biến.
Hoặc công ty cổ phần có thể chọn mô hình quản trị một cấp không có ban kiểm soát, thay vào đó là tiểu ban kiểm toán, hiện là mô hình quản trị rất phổ biến tại các nước Anh và Mỹ. Như vậy, có thể nói, Vinamilk là công ty đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới.
Quy mô Vinamilk đang ngày càng lớn với sự đa dạng về sở hữu và dần tiến đến tập đoàn đa quốc gia với các nhà máy, công ty con hiện diện tại nhiều nước trên thế giới khiến cho việc điều hành, quản trị ngày càng phức tạp nên việc chuyển đổi sang mô hình mới xem ra khá hợp lý.
Mặc dù, ban kiểm soát đóng vai trò giám sát, nhưng tại nhiều công ty bộ phận này thường không thể hiện hết chức năng này hoặc bị vô hiệu hóa, tệ hơn là lập ra chỉ cho đủ ban bệ.
Ngược lại, các thành viên hội đồng quản trị độc lập nắm giữ tiểu ban kiểm toán thực hiện chức năng giám sát ban giám đốc và hội đồng quản trị. Việc có mặt các thành viên độc lập khiến cho tiểu ban kiểm toán có đầy đủ quyền và nguồn lực để thực hiện tốt vai trò giám sát. Cách dùng người của Vinamilk tại tiểu ban kiểm toán cho thấy rõ điều này.
Vinamilk chia tiểu ban kiểm toán thành 3 ban: về nhân sự do bà Lê Thị Băng Tâm làm trưởng ban, kế đến ông Đỗ Lê Hùng làm trưởng ban kiểm toán và cuối cùng là ông Nguyễn Bá Dương làm trưởng ban lương thưởng. Tất cả 3 người đều là thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Trong 3 "yếu nhân" này, ông Đỗ Lê Hùng có vẻ ít được biết đến trên truyền thông, nhưng thực tế là người không quá xa lạ với giới tài chính. Ông đã từng giữ vai trò Giám đốc kiểm toán và kiểm soát nội bộ của Big C từ năm 2008-2016, trước đó từng là Phó vụ trưởng Vụ Kế toán - Kho bạc nhà nước (Bộ Tài chính). Bà Lê Thị Băng Tâm vừa giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị HDBank và kiêm cả vị trí này tại Vinamilk nhiều năm. Và mới đây, Vinamilk tiếp tục tín nhiệm bà giữ cương vị này thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa (2017-2021). Sự ngạc nhiên lớn nhất có lẽ dành cho ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị CotecCons, một người quá nổi tiếng với vai trò dẫn dắt CotecCons hoạt động kinh doanh đầy hiệu quả, đứng đầu thị trường về xây dựng hạ tầng, nhưng lại là người ngoại đạo trong ngành sữa.
Bà Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk đã cân nhắc rất kỹ việc mời ông Nguyễn Bá Dương về giữ vai trò thành viên hội đồng quản trị độc lập, vì là người có kinh nghiệm trong việc quản lý. Ông Dương sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định lương thưởng để hội đồng quản trị duyệt, tạo động lực phát triển cho nhân viên, giữ được người tài nhưng đồng thời đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Ông Phan Đức Hiếu đánh giá, với mô hình tiểu ban kiểm toán thể hiện sự giám sát hiệu quả, Vinamilk hướng đến việc quản trị công ty minh bạch, công bố thông tin kịp thời mọi vấn đề có liên quan đến lợi ích cổ đông, qua đó giúp Vinamilk có nhiều lợi thế trong việc đàm phán với đối tác nước ngoài. Đồng thời mô hình này cũng giúp giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ.
Linh hoạt
Theo thống kê của Vinamilk, hiện công ty đang nắm giữ 54,5% thị phần sữa nước, 84,7% thị phần sữa chua, 79,7% sữa đặc và 40% sữa bột trẻ em tại thị trường Việt Nam.
Bà Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk sẽ nỗ lực gia tăng thị phần ở tất cả các ngành hàng trên. Chiến lược kinh doanh của Vinamilk là xét theo từng thời điểm, có thể tập trung mọi nguồn lực cho những ngành hàng có quy mô thị trường lớn nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận nhưng cũng sẵn sàng phát triển những phân khúc sản phẩm có thị trường còn nhỏ, nhưng có tiềm năng trong tương lai.
Có thể thấy điều này qua việc Vinamilk phát triển dòng sản phẩm mới là sữa hữu cơ. Theo bà Liên, để có được sữa hữu cơ thì phải có trang trại, đất trồng và cỏ, giống bò được chứng nhận hữu cơ… Các yếu tố này tiêu tốn khá nhiều nguồn lực tài chính, thời gian và công sức.
Do đó, đến thời điểm hiện nay, Vinamilk là công ty đầu tiên sản xuất sữa hữu cơ tại Việt Nam. Tiêu chuẩn cho một sản phẩm hữu cơ khá khắt khe, nên giá sữa hữu cơ đang đắt gấp 2-3 lần với sữa thông thường và chỉ dành cho đối tượng khách hàng có mức thu nhập cao.
Tuy nhiên, Vinamilk đang chuẩn bị triển khai thêm trang trại hữu cơ tại Thanh Hóa với số lượng đàn bò có thể lên đến 3.000 con và kỳ vọng với quy mô sản lượng sữa lớn, giá sẽ giảm xuống để nhiều người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận.
Theo bà Mai Kiều Liên, trong một nỗ lực giữ lấy thị phần với bối cảnh giá nguyên liệu đang tăng, Vinamilk giữ giá bán ổn định bằng cách cân đối ngân sách cho tiếp thị, quảng cáo. Vinamilk sẽ tiếp tục đi tắt đón đầu về đầu tư công nghệ hiện đại trên thế giới nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa chi phí và tăng doanh thu tối đa.
Dự án mới nhất của công ty sẽ là sử dụng robot để tự động hóa việc vắt sữa bò tại các trang trại, nhằm giảm đi nhân công lao động, tương tự các nhà máy Mega hiện có với khả năng tự động sản xuất sữa. Và một khi khấu hao được 70% các nhà máy này, Vinamilk sẽ mở rộng đầu tư mới.
“Với các chiến lược này, Vinamilk sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu nội địa là 10%/năm, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường” - bà Liên cho hay.
Trong cơ cấu doanh thu, mặc dù doanh thu nội địa đang chiếm tỷ trọng lớn, nhưng Vinamilk đang có những nỗ lực gia tăng nguồn thu từ nước ngoài. Theo bà Liên, các năm tiếp theo Vinamilk sẽ tăng cường xuất khẩu sữa sang thị trường các nước, đồng thời tiếp tục chiến lược M&A các công ty sữa thế giới để ghi nhận doanh thu từ cổ tức hoặc hợp nhất doanh thu công ty con.
Gần đây nhất, Vinamilk đã đặt được một chân vào thị trường đông dân nhất thế giới: Trung Quốc, với 1 bản ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm sữa của Vinamilk vào thị trường Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến nước này, ước tính tổng giá trị thị trường này lên đến khoảng 30 tỷ USD/năm.
“Định hướng doanh thu từ nước ngoài cho đến năm 2021 sẽ chiếm 25% tổng doanh thu, tương ứng 19.000 tỷ đồng” - bà Liên cho biết.
Hải Yến