Những bức ký họa, cổ động truyền sức mạnh thời Covid-19
Việt Nam chung tay góp sức cùng bạn Lào đấu tranh với dịch COVID–19 |
VPBank áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID 19 |
Có lẽ phải mấy mươi năm trở lại đây, chúng ta không còn thấy những bức ký họa hay cổ động còn phổ biến nữa. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang khiến cả xã hội phải gồng mình để chiến đấu, mọi hành động đẹp đều được ghi lại - như một cách để cổ vũ tinh thần, khơi dậy sự đoàn kết, đồng lòng quyết tâm đánh bại dịch bệnh.
Mới đây, nhằm ủng hộ lực lượng tuyến đầu (bao gồm các y bác sĩ, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện,...) đang ngày đêm chống dịch; công ty TNHH Sơn Dura Việt Nam đã kết hợp với trường Đại học Kiến trúc TP.HCM phát động phong trào vẽ ký họa với chủ đề "Sinh viên UAH chung tay đẩy lùi Covid-19". Một số các bức ký họa nổi bật trong số này đã gây sốt trên cộng đồng mạng những ngày qua.
Dựa trên những sự kiện có thật, những con người có thật nên các bức ký họa đều có thể chạm đến được trái tim của người xem. Lấy cảm hứng từ chuyến bay từ Frankfurt (Đức) về Việt Nam ngày 10/3, bức tranh "Sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau" của Mai Trương Quỳnh Vy đã thực sự khiến cộng đồng xúc động. Một em bé hai tháng tuổi đã quấy khóc vì thiếu hơi mẹ, do đó, tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh đã đích thân dỗ dành hành khách nhí, vỗ nhẹ lưng để bé dễ chịu hơn sau khi uống sữa. Bởi vậy mà em bé dường như đã bình tĩnh lại hơn, rúc vào lòng của cô như một cách tìm kiếm hơi ấm của mẹ.
Bản thân Quỳnh Vy chia sẻ về bức ký họa này rằng: "Trái tim tôi hẫng vài nhịp, cay cay khóe mắt trước hình ảnh nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines nâng niu cháu bé được bố mẹ gửi từ trời Âu về Việt Nam tránh dịch Covid-19. Chính cảm xúc ấy đã thôi thúc tôi họa bức tranh này. Có thể nó không hoàn hảo nhưng tôi mong góp một chút nhỏ nhoi, gửi đến mọi người thông điệp tốt đẹp: 'Đừng rơi nước mắt khi chúng ta vẫn còn hy vọng. Cuộc chiến này sẽ chẳng ai bị bỏ lại phía sau'".
Bức ký họa ghi lại khoảnh khắc nữ tiếp viên hàng không đang dỗ dành một em bé được cha mẹ gửi về quê hương để tránh dịch Covid-19 khiến triệu trái tim Việt lay động |
Hay như nữ y tá ngủ gục trên bàn làm việc sau ca trực dài, lấy tập tài liệu làm gối đầu tại bệnh viện Bạch Mai cũng từng khiến không ít người đồng cảm xót xa vào tối ngày 29/3 - ngay thời điểm Bạch Mai phải gồng mình để đánh bại những mầm bệnh đang bùng phát. Dựa trên một chất liệu không thể hiện thực hơn thế, Nguyễn Bá Điệp đã dùng chì để khắc họa lại hình ảnh đáng tự hào này như một cách gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những anh hùng đang ở tuyến đầu chống dịch.
Nữ y tá bệnh viện Bạch Mai ngủ gục sau ca làm việc dài được khắc họa sinh động và đầy cảm xúc |
Có lẽ chúng ta vẫn chưa thể quên được những giờ phút căng thẳng khi bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa và được coi là ổ dịch của toàn thành phố Hà Nội. Thế nhưng trong cơn bão tố ấy, đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên ở đây vẫn luôn giữ vững tinh thần thép, lòng can trường chống dịch như chống giặc. Khoảnh khắc tất cả mọi người tại bệnh viện Bạch Mai, dù mang trên người bộ đồ bảo hộ và chiếc khẩu trang không bao giờ được phép tháo, nhưng ẩn sau đó vẫn là những nụ cười của niềm tin và những cái bắn tim mang tinh thần lạc quan đã được tác giả Trần Minh Tuân ký họa nhanh lại.
Bức ký họa dựa trên bức ảnh có thật mang thông điệp: "Chúng tôi vẫn ổn, hãy yên tâm" |
Tiếp tục lựa chọn khai thác một cách chân thực cuộc sống của đội ngũ các y, bác sĩ - những anh hùng ở tuyến đầu chống dịch, tác giả Lê Thị Thanh Nhàn khắc họa đến chân thực từng khoảnh khắc của họ. Đây là một bức ký họa bằng máy từ một khu cách ly Covid-19, nhưng hoàn toàn được ban tổ chức chấp nhận
Dịch bệnh ập đến và chẳng phân biệt bất cứ ai, bất cứ quốc gia hay chủng tộc nào. Sau những giờ phút khốc liệt chiến đấu với nó, họ vội vàng chợp mắt ngay trên chiếc ghế gỗ hay tranh thủ ăn bữa trưa để kịp thời hồi sức trước khi tiếp tục ca làm việc mới. Chắc chắn một điều rằng, khoảng thời gian nghỉ ngơi của họ chẳng đáng là bao so với những thời khắc làm việc đằng đẵng, nhưng đầy hy sinh thầm lặng ấy.
Những giây phút yên bình nhỏ bé trong một ngày chiến đấu với nCoV của những chiến binh |
Không chỉ có các y, bác sĩ mà đội ngũ dân quân, bộ đội và những người hỗ trợ tiếp tế thực phẩm cho mọi người tại khu cách ly cũng vô cùng xứng đáng để được tôn vinh. Cũng từ một bức ảnh thực tế được chụp lại, cựu sinh viên Lê Thanh Ngữ đã ghi lại khoảnh khắc chân thật ấy để biểu dương các anh như những người hùng đích thực.
Chẳng nề hà nắng mưa, màn trời chiếu đất, các anh đã nằm ngả lưng một cách yên lành trong những khu vực làm việc của mình. Vì an toàn của cộng đồng và cả những cá nhân đang phải thực hiện cách ly, chút hy sinh, chịu khó chịu khổ này dường như chẳng là gì.
Những giấc ngủ không có mái nhà của đội ngũ nhân viên y tế, dân quân tình nguyện trong nỗ lực chống dịch |
Và chúng ta cũng không thể không nhớ đến hình ảnh của các anh chiến sĩ bộ đội, ngày đêm túc trực tại cửa khẩu để bảo vệ cho đất nước. Tác phẩm sơn mài của sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Phượng đã khắc họa lại hình ảnh ngọn lửa do những chiến sĩ tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Vân Lãng, Lạng Sơn) đốt lên để xua đi sự giá lạnh trong đêm sương.
Các anh không màng đến việc ngủ bởi còn có một nhiệm vụ cao cả hơn, đó là ngăn chặn những người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Bộ đội nơi biên phòng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các lối mòn, đường mở dọc biên giới. Vì công việc mà các anh ăn, ngủ, thao thức luôn tại các lán trại - nơi lập những trạm kiểm soát.
Ngọn lửa được các anh thắp lên để xua tán giá lạnh, cũng như thắp lên niềm tin và hy vọng chiến thắng |
Một câu chuyện nhỏ khác nhưng cũng rất đỗi nhân văn được ghi lại bởi tác giả Phùng Thị Thư. Đó là khoảnh khắc các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đã nắm chặt tay nhau, vỡ òa vì xúc động và vui mừng khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng tại bệnh viện cho kết quả âm tính vào ngày 6/4. Đội ngũ các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên làm việc tại khoa Truyền nhiễm - nơi chăm sóc các bệnh nhân (gồm 17 người) đã liên tục làm việc, ăn nghỉ tại chỗ và không về nhà kể từ khi tỉnh thông báo có 9 trường hợp nhiễm bệnh.
Sự hân hoan và xúc động vì cuối cùng các bệnh nhân cũng khỏi bệnh của các y bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Bình Thuận được khắc họa sống động, chân thực |
Sinh viên Dương Huỳnh Hiếu Duy chọn cách bày tỏ sự tự hào, lòng ngưỡng vọng đến với chiến sĩ công an làm việc tại khu cách ly của Đà Nẵng. Thông qua cửa kính, người công an giơ ngón cái, biểu thị sự đồng ý khi được một người phụ nữ nhờ mua giúp một bát cháo em bé. Hình ảnh gốc đã liên tục được cộng đồng mạng truyền tay nhau suốt nhiều ngày qua.
Khoảnh khắc làm người người cảm động |
Không chỉ có nhân dân trong nước, mà ngay cả kiều bào nơi hải ngoại xa xôi cũng một lòng hướng về Tổ quốc với hy vọng vượt qua đại dịch. Nhiều công dân Việt Nam đang định cư tại nước ngoài đã tự tay may khẩu trang để chủ động phòng dịch, cũng như phần nào hòa chung vào không khí của đất mẹ hào hùng.
Tác phẩm của cựu sinh viên Lê Bôi Phan đã ca ngợi những công dân như vậy và cả đội ngũ thợ may đang ngày đêm chung tay tiếp tế khẩu trang, khẩu trang y tế cho đội ngũ y, bác sĩ, dân quân và công an. Tinh thần tương thân tương ái trong lúc nguy nan này cũng chính là một liều thuốc sức mạnh, thúc đẩy chiến thắng đại dịch ngày càng đến gần hơn.
Những chiếc khẩu trang tự may củng cố thêm lòng tương thân tương ai, đồng lòng đứng lên chống dịch để đi đến đại thắng |
Hết sức cảnh giác với những ca nhiễm trong cộng đồng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp trực tuyến, sáng 8/4, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, ... |
Nghĩa cử đẹp chống dịch COVID - 19 là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị Việt Nam - Hungary 70 năm Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary chung tay quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 tại Hungary với tổng giá trị trên 8 ... |
Ấn Độ: Cặp vợ chồng đặt tên con song sinh mới chào đời là Covid và Corona để 'kỷ niệm' Để "kỷ niệm" về khoảng thời gian sống giữa dịch Covid-19, một cặp vợ chồng tại Ấn Độ đã đặt tên cặp song sinh mới ... |