Nhớ và phát huy bài học đoàn kết từ ngày thành lập Đảng
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc (2/1951). (Ảnh: TTXVN)
Bài học đoàn kết được ghi nhận từ ngày thành lập Đảng vẫn còn nguyên giá trị hôm nay.
1. Với tất cả nỗ lực, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng bước đưa tư tưởng cách mạng giải phóng của Người về trong thực tiễn cuộc đấu tranh của dân tộc.
Tất cả những hoạt động, từng bước vững chắc, của Người, đều nhằm chuẩn bị các điều kiện để thành lập một Đảng Cộng sản chân chính, có lý luận và phương pháp cách mạng tiên tiến, có đội ngũ cán bộ trung kiên và tổ chức chặt chẽ để có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Những hoạt động sôi nổi của những cán bộ được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện ở Quảng Châu trong những năm 1925-1929 đã làm cho phong trào đấu tranh trong nước có sự phát triển mạnh mẽ.
Từ thực tiễn cuộc đấu tranh đó, các tổ chức cộng sản đầu tiên đã ra đời ở Việt Nam. Tháng 3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) với 7 thành viên.
Từ chi bộ “hạt nhân” này, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ngày 17/6/1929 tại Hà Nội. Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng trong tháng 8/1929. Tháng 9/1929, những đại biểu cấp tiến của Tân Việt đã ra Tuyên đạt chính thức lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Những cán bộ trong cả ba tổ chức cộng sản này đều tích cực mở rộng mạng lưới cơ sở, phát triển đảng viên và “lãnh địa” ảnh hưởng của mình.
Tình trạng chia rẽ, tranh giành quần chúng, cạnh tranh ảnh hưởng, thậm chí công kích lẫn nhau giữa các tổ chức đã diễn ra.
Mỗi tổ chức đều nhận mình là cộng sản chân chính và đều nhận (mình giữ) vai trò lãnh đạo cách mạng. Sự chia rẽ, mất đoàn kết đã làm phân tán sức mạnh chung của phong trào, gây ra những sự nghi ngờ trong quần chúng.
Yêu cầu cấp bách đặt ra khi đó là hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất, đủ năng lực đảm nhận vai trò lịch sử lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
2. Bằng sự nhạy bén chính trị đặc biệt của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập các đại biểu và tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc) trong những ngày đầu Xuân Canh Ngọ 1930.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản (ghi ngày 18/2/1930, ký tên N.A.Q), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi họp vào ngày mồng 6/1.Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng.”
Người còn viết: “Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/2.” Trong hơn một tháng Tết, giữa tiết Xuân năm Canh Ngọ 1930, dù còn ở nơi đất khách quê người, các chiến sỹ cộng sản Việt Nam với sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã họp nhiều cuộc ở nhiều địa điểm (được thay đổi để giữ bí mật).
Họ đã hoàn thành một công việc trọng đại: Thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Với uy tín và kinh nghiệm của mình, sự phân tích thấu tình đạt lý của của người thày, người anh, người đồng chí nhiều kinh nghiệm Nguyễn Ái Quốc về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc đã nhận được sự nhất trí của các đại biểu đến từ trong nước.
Những bất đồng cục bộ đã được dẹp bỏ để tất cả nỗ lực cùng hướng tới một mục tiêu chung, tất cả hành động đều vì một lý tưởng cao cả.
Các đại biểu dự Hội nghị đã nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đề nghị Ban Chấp hành lâm thời kết hợp tổ chức này vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản đã được hoàn thành trên thực tế. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt của cách mạng, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam.
3. Từ mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chuyển sang trang mới.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trong mùa Xuân đó cũng ghi nhận sự đoàn kết, nhất trí của những chiến sỹ cộng sản ngay từ buổi đầu tổ chức còn manh nha trứng nước.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đoàn kết lại và hướng các chiến sỹ cách mạng tới một mục tiêu chung - Giành lại độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân.
Cũng trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Từ nay, với chính sách đúng và với sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng.”
Trên tiến trình lịch sử đấu tranh vẻ vang và hào hùng của Đảng, Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, thành công là điều luôn luôn đúng.
Sau này, trong những dòng cuối cùng viết để lại cho hậu thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh lại: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” mà Đảng lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi.
Người cũng chỉ rõ, để đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt minh” (Di chúc).
Trong tình hình mới, trước những nguy cơ mới, cả bên ngoài và bên trong đang hiện hữu, tinh thần và bài học đoàn kết của những người cách mạng được ghi nhận từ ngày thành lập Đảng vẫn còn nguyên giá trị.
Tinh thần đoàn kết, nhất trí hy sinh, phấn đấu vì lý tưởng, vì mục tiêu chung càng cần được phát huy.
Sau độ lùi lịch sử 87 năm, nhớ về Hội nghị thành lập Đảng năm xưa, chúng ta cũng nhớ tinh thần sáng tạo, độc lập, nhớ sự nhạy bén, kịp thời và vai trò quyết định của một Người dẫn đường xuất sắc.
Chúng ta cũng thấy rõ hơn những cống hiến quan trọng của Người về lý luận, đường lối cho Đảng, thấy rõ hơn tư duy độc lập, sáng tạo, vượt trước thời đại của người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã góp phần định hướng đúng đắn cho cách mạng Việt Nam tới thắng lợi.
Theo Thiên Phương/TTXVN