Nhìn lại những vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc trên thế giới
Từ ngày 18-11-2018, Chính phủ Argentina đã tiến hành để quốc tang 3 ngày nhằm tưởng nhớ đến 44 thủy thủ trên tàu ngầm ARA San Juan, vừa được tìm thấy sau đúng một năm mất tích trên Đại Tây Dương.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, trên thế giới đã phát sinh rất nhiều sự cố về tàu ngầm. Xuất phát từ đặc điểm tác chiến ngầm dưới nước nên giống như tai nạn máy bay, các vụ tai nạn tàu ngầm thường gây ra những hậu quả rất thảm khốc. Đã từng có nhiều vụ tai nạn tàu ngầm mà nguyên nhân của nó không thể xác định được, thậm chí phải nhiều thập kỷ sau xác tàu ngầm mất tích mới được tìm thấy. Dưới đây là những vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc trên thế giới.
Ngày 15-11-2017, tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina cùng 44 thủy thủ đoàn mất tích một cách bí ẩn ở vùng biển Nam Đại Tây Dương sau khi rời một căn cứ quân sự ở tỉnh cực Nam Ushuaia hướng về thành phố cảng Mar del Plata. Đây là loại tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke của Đức chế tạo, dài 65 m, được trang bị 4 động cơ diesel MTU, 4 máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép nó đạt tốc độ tới 46 km/h khi lặn. Vụ mất tích tàu ngầm ARA San Juan được xem là một trong số những thảm họa tàu ngầm nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên thế giới.
Tàu ngầm ARA San Juan
Đêm ngày 13-8-2013, tàu ngầm Kilo S-63 “Sindhurakshak” của Hải quân Ấn Độ bỗng dưng phát nổ và bốc cháy dữ dội, khi đang thả neo tại cầu tàu của Nhà máy đóng tàu hải quân ở cảng Mumbai, miền Tây Ấn Độ. Con tàu gần như bị phá hủy hoàn toàn, 18 thủy thủ đoàn đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Tàu ngầm Kilo khi đó được coi là một trong những chiếc tàu ngầm tin cậy, an toàn nhất trên thế giới. Sau nửa năm điều tra, Nga và Ấn Độ đã công bố nguyên nhân của vụ nổ là do một chuỗi các hoạt động sai quy trình của thủy thủ đoàn trong quá trình bảo quản và làm việc với các loại vũ khí trên tàu.
Ngày 8-11-2008, tàu ngầm K-152 mang tên Nerpa của Nga đang được đưa ra thử nghiệm trên biển Nhật Bản thì bị rò rỉ khí tên là Freon, do hệ thống cứu hỏa sinh ra khiến 20 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.
Ngày 30-8-2003, tàu ngầm hạt nhân K-159 của Nga bị chìm tại biển Barents khi đang trên đường đến nhà máy đóng tàu để tiến hành tháo dỡ con tàu này. Vụ tai nạn khiến 9 trong số tổng cộng 10 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.
Ngày 2-5-2003, Trung Quốc xác nhận vụ tai nạn tàu ngầm Ming-361, khiến toàn bộ 70 người thiệt mạng. Nguyên nhân tai nạn là do trong lúc tàu đang chạy động cơ diesel và sử dụng ống thông hơi thì mực nước dâng cao, khiến miệng ống đóng lại. Do trục trặc kỹ thuật, động cơ diesel trên tàu 361 đã không được tắt. Chính động cơ này đã đốt hết khí oxy trên tàu trong vòng 2 phút, khiến toàn bộ 70 người chết ngạt.
Tàu ngầm Ming-361
Ngày 9-2-2001, tàu ngầm hạt nhân Greenville của Mỹ va chạm với một tàu thực tập của Học viện thủy sản Nhật Bản ở thành phố Ehime, nằm ở phía Tây Bắc vùng Shikoku, Nhật Bản, khi đang nổi lên mặt nước. Nó đã nhấn chìm con tàu trong vòng vài phút làm 9 người trên tàu thực thập sinh của Nhật Bản thiệt mạng.
Tàu ngầm hạt nhân Greenville của Mỹ
Ngày 12-8-2000, tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường K-141 Kursk với tải trọng 16.000 tấn của Nga đã bị đắm ở biển Barents sau hai vụ nổ, cướp đi sinh mạng của 118 thành viên thủy thủ đoàn. Sau khi xác tàu Kursk được trục vớt, người ta kết luận rằng vụ tai nạn do ngư lôi Type-65-76A gây ra. Sau thảm họa Kursk, Hải quân Nga quyết định loại biên toàn bộ ngư lôi sử dụng nhiên liệu hydro peroxid.
Tháng 3-1994, tàu ngầm hạt nhân Emerald của Pháp đã bị nổ phòng máy phát điện khi đang tuần tra tại Địa Trung Hải, khiến 10 người thiệt mạng.
Ngày 7-4-1989, tàu ngầm K-278 Komsomolets của Nga với tải trọng 8.000 tấn bị chìm ở độ sâu gần 1.700 m dưới đáy biển Barents trong chuyến tuần tra đầu tiên của mình. Vụ tai nạn cướp đi 42 trong tổng số 69 thành viên thủy thủ đoàn. Chiếc tàu ngầm này đóng vai trò là hệ thống thử nghiệm cho những công nghệ mới có khả năng lặn sâu nhất thế giới với thành tích 1.020m dưới mặt nước biển, được lập vào ngày 4-8-1984.
Tháng 4-1970, một tàu ngầm hạt nhân Liên Xô bị chìm ở khu vực biển Tây Ban Nha làm 88 thủy thủ thiệt mạng.
Tháng 5-1968, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Scorpion của Mỹ mất tích ở Đại Tây Dương với 99 thủy thủ trên tàu. Đến tháng 10-1968, lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy xác của con tàu ở vị trí cách quần đảo Azores khoảng 644km về phía Tây Nam, ở độ sâu hơn 3.000m. Sau đó, đã có một vài giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân của vụ tai nạn, như ngư lôi của con tàu bất ngờ bị phóng đi và bật trở lại, bắn trúng tàu Scorpion, hay do nổ hệ thống ắc quy, hoặc va chạm với một tàu ngầm của Liên Xô.
Tháng 3-1968, tàu ngầm K-129 của Liên Xô chở theo 3 tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân SS-N-4 Sark, sau khi rời quân cảng Petropavlovsk trên bán đảo Kamchatka tiến đến một địa điểm ở phía Đông Bắc tiểu bang Hawaii của Mỹ, đã bị đắm một cách bí ẩn ở Thái Bình Dương cùng với toàn bộ 98 thủy thủ. Khi đó, Hải quân Liên Xô không thể định vị được con tàu. Một tàu ngầm của Mỹ sau đó đã tìm thấy tàu K-129 gần đảo Oahu phía Tây Bắc Hwaii, ở độ sâu 4.900m.
Tháng 4-1968, tàu ngầm hạt nhân tấn công mang số hiệu K-172, Type 659/675, lớp E-2 (NATO gọi là lớp Echo) của Liên Xô đã bị chìm tại Địa Trung Hải, toàn bộ 90 thủy thủ đã thiệt mạng do trúng độc hơi thủy ngân.
Tháng 5-1968, tàu ngầm hạt nhân Scorpion của Mỹ gặp nạn ở Đại Tây Dương khi đang hành trình đến quần đảo Canari, toàn bộ 99 thủy thủ và nhân viên thiệt mạng. Đến nay, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây nên sự cố là gì.
Ngày 10-4-1963, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher (SSN-593) gặp sự cố khi thử nghiệm hoạt động ở độ sâu 400 m. Vụ tai nạn khiến 129 thủy thủ thiệt mạng và là tai nạn tàu ngầm có số người chết cao nhất. Kết quả điều tra của quân đội Mỹ cho thấy, động cơ điện cung cấp năng lượng cho máy bơm làm mát chính của con tàu gặp trục trặc khiến lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động. Con tàu chìm dần và phát nổ ở độ sâu hơn 700m do áp lực nước lớn…/.
Hồng Anh (tổng hợp)