Nhìn lại báo cáo 11 năm trước, Mỹ sững sờ nhận ra Triều Tiên đã nắm công nghệ đáng sợ
"Các nguồn tài nguyên của Bình Nhưỡng hiện tại gồm cơ sở hạ tầng công nghệ sinh học thô sơ," tờ Washington Post trích báo cáo của giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, 5 tháng trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên hồi năm 2006.
Chỉ một thập niên sau đó, những đánh giá kỹ thuật không còn nhiều ý nghĩa nữa. Theo cộng đồng tình báo Mỹ & Châu Á và các chuyên gia về vũ khí, Triều Tiên đang dần dần sở hữu được các loại máy móc thiết yếu để phát triển một chương trình vũ khí sinh học tiên tiến.
Cụ thể, nước này đang sở hữu các nhà máy có thể sinh sản các loại vi sinh vật, cho tới các phòng thí nghiệm chuyên về biến đổi gien.
Cùng lúc đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng cử nhiều nhà khoa học ra nước ngoài tham dự các khóa học cao học về vi sinh học, đồng thời chào bán các dịch vụ công nghệ sinh học cho các nước đang phát triển.
Động thái này khiến cho giới phân tích Mỹ cảm thấy lo ngại khả năng Triều Tiên sản xuất các mầm bệnh sinh học quy mô lớn. Theo các quan chức và giới phân tích Mỹ, nếu kịch bản này xảy ra thì vũ khí sinh học sẽ trở thành mối đe dọa với tính mạng của binh lính Mỹ và người dân khu vực xung quanh bán đảo khi xảy ra xung đột.
Theo những quan chức Mỹ có quyền truy cập thông tin mật, họ không phát hiện bằng chứng cho thấy ông Kim Jong Un đã ra lệnh sản xuất vũ khí trên thực tế, mà chỉ giới hạn ở mẫu thử và nguyên mẫu.
Một quan chức cấp cao Mỹ (giấu tên) được tiếp cận việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công sinh học nói, "Theo nhiều nguồn tin thì Triều Tiên đã sở hữu các tác nhân sinh học. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ đã sở hữu tài liệu và công nghệ cần thiết, nhưng lại chưa sản xuất các loại vũ khí thực sự?"
Tuy vậy, nhiều quan chức thừa nhận các cơ quan gián điệp nước ngoài có thể đã không phát hiện ra sự thay đổi trong chương trình vũ khí sinh học của Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng thường đặt các nhà máy này trong vỏ bọc dân sự, như nhà máy sản xuất nông phẩm và dược phẩm.
"Ngay cả ngày mai họ bắt đầu làm điều này," trích lời quan chức Mỹ, "thì chúng ta cũng không thể biết, trừ phi chúng ta có nội gián có mặt ngay tại thời điểm đó".
Ông Kim Jong Un (giữa) thăm Viện nghiên cứu công nghệ sinh học. Bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đăng tải ngày 6/6/2015
Nhà máy vi khuẩn
Theo WaPo, các nhà máy này có thể thuộc diện tối mật tại Triều Tiên, do nước này phủ nhận sở hữu chương trình phát triển vũ khí sinh học dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, lãnh đạo Triều Tiên phần nào vén bức rèm bí mật này cách đây 2 năm, khi đích thân ông Kim chỉ huy một nhóm quay phim tới thăm Viện Công nghệ sinh học Bình Nhưỡng mới được thành lập.
Đây là tòa nhà hai tầng nằm trong khuôn viên một nhà máy sản xuất vitamin cũ. Truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả viện này là một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu sinh học - chủ yếu là các vi khuẩn sống có thể giết sâu và sâu bướm phá hoại vụ mùa rau bắp cải.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ nghiên cứu đoạn video đã phát hiện ra những điểm bất ngờ. Bên trong nhà máy do quân đội điều hành là những căn phòng nghiên cứu với nhiều thiết bị đắt tiền, bao gồm máy lên men quy mô công nghiệp dùng cho việc phát triển số lượng lớn các vi khuẩn sống và các máy sấy lớn dùng để biến hàng tỷ bào tử vi khuẩn vào một loại bột mịn nhằm phân tán hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cho hay, nhiều máy móc này thuộc diện bị cấm bán cho Triều Tiên theo các lệnh trừng phạt quốc tế, vì chúng có thể được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học. Lãnh đạo Kim Jong Un đã vô cùng hào hứng chỉ cho các nhà quay phim trang thiết bị trong viện nghiên cứu, giống như khi ông đến thăm nơi lắp đặt các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Đây là lần đầu tiên công chúng xác nhận sự tồn tại của các loại máy móc này ở Triều Tiên. Một số chuyên gia Mỹ và châu Á coi đây là dấu hiệu đáng quan ngại. Bà Melissa Hanham, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin tại Monterey (Mỹ) chia sẻ sau khi xem đoạn video nói trên:
"Có thể khẳng định khá chắc chắn rằng viện này đang có ý định sản xuất một số lượng vi khuẩn gây bệnh than ở quy mô quân sự. Bất kể những thiết bị này hiện tại có đang được sử dụng để sản xuất vi khuẩn này hay không thì chúng có thể sẽ sử dụng cho mục đích này trong tương lai gần."
Giới phân tích Mỹ giờ đây tin rằng cuộc thăm viếng của ông Kim là có chủ đích. Chỉ 1 tuần trước sự kiện này, tức là ngày 28/5/2015, Lầu Năm Góc đã công khai thừa nhận rằng các mẫu sống của vi khuẩn bệnh than do Mỹ gây ra đã vô tình được vận chuyển đến một căn cứ quân sự của Hàn Quốc do nhầm lẫn.
Triều Tiên đã trình văn bản khiếu nại chính thức lên Liên Hợp Quốc vào ngày 4/6/2015, gọi đó là bằng chứng cho thấy "các kế hoạch chiến tranh sinh học" của Mỹ chống lại người dân Triều Tiên.
Chuyến đi của ông Kim tới Viện công nghệ sinh học diễn ra chỉ hai ngày sau đó, và rõ ràng là muốn gửi đi một thông điệp.
"Triều Tiên đã đáp trả mạnh mẽ mối đe dọa tiềm tàng bằng việc công khai khả năng phát triển vũ khí sinh học của nước mình," bà Hanham nói.
Một số chuyên gia về vũ khí ban đầu hoài nghi về khả năng chế tạo vũ khí sinh học của Bình Nhưỡng khi nhìn thấy các nhân viên và khách tham quan không hề được trang bị các loại quần áo bảo vệ sinh học khi tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm. Nhưng kể từ khi đoạn video này được công khai, các nhà quan sát đã tiếp tục chỉ ra những điều bất hợp lý về mục đích của nhà máy.
Ví dụ, một số máy móc không được nối với các loại ống dẫn hay lỗ thông gió. Các chuyên gia cũng đã đặt câu hỏi tại sao Triều Tiên mua những thiết bị công nghiệp đắt tiền trên thị trường chợ đen chỉ để sản xuất... thuốc trừ sâu - sản phẩm có thể mua hợp pháp với mức giá rẻ hơn rất nhiều từ Trung Quốc.
Andrew C. Weber, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các chương trình phòng thủ hạt nhân, hóa học và sinh học, nhận định: "Thực tế là Triều Tiên đã sử dụng các loại máy này cho nhiều mục đích bao gồm cả sản xuất vũ khí sinh học. Các bức ảnh cho thấy là một năng lực sản xuất sinh học tối tân"
(Ảnh: KCNA)
Chờ đợi mệnh lệnh
Việc Triều Tiên sở hữu các thành phần cơ bản để sản xuất vũ khí sinh học là học thuyết được giới quân sự và tình báo Mỹ và châu Á ngầm thừa nhận trong nhiều năm qua.
Tuy mọi sự chú ý của công luận hiện đang tập trung vào các vụ thử vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mối đe dọa của các cuộc tấn công sinh học từ Triều Tiên luôn được nhận định ở mức nghiêm trọng nên Lầu Năm Góc yêu cầu tất cả lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc tiêm chủng định kỳ nhằm ngừa bệnh than và đậu mùa.
Tuy nhiên, việc xác định khả năng chính xác và mục đích của các chương trình vũ khí sinh học của Triều Tiên là một trong những thách thức tình báo lớn nhất. Các đánh giá chính thức của cộng đồng tình báo Mỹ và Hàn Quốc kết luận rằng Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một số ít dòng vi khuẩn, bao gồm các vi khuẩn gây bệnh than, bệnh tả và bệnh dịch hạch.
Các nhà phân tích Mỹ cũng tin rằng ít nhất vào giữa những năm 1990, Triều Tiên đã sở hữu virus gây đậu mùa. Đây là kết luận dựa trên việc nghiên cứu các kháng thể trong máu của các binh sĩ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc vào những năm 1980 và 1990.
Năm 1993, người đứng đầu chi nhánh nước ngoài của cơ quan tình báo Nga tiết lộ Triều Tiên đang thực hiện "nghiên cứu sinh học quân sự" đối với bốn mầm bệnh, bao gồm các vi khuẩn gây bệnh than và bệnh đậu mùa.
Nhưng gần đây, những câu hỏi về khả năng của Bình Nhưỡng đang trở nên ngày càng cấp thiết khi các nhà hoạch định quân sự đang chuẩn bị cho khả năng xung đột trên bán đảo.
Trong khi máy bay của Mỹ và Hàn Quốc vẫn tìm cách phát hiện các địa điểm nghi là cơ sở hóa học và sinh học, kịch bản mới nhất bao gồm giả định các đơn vị bộ binh sẽ phải đối mặt với một loạt các mối nguy hiểm sinh hóa. Đây là nguy hiểm mà lực lượng bộ binh di chuyển với tốc độ cao có thể không phát hiện ra.
Một quan điểm thống nhất giữa các nhà hoạch định quân sự là lãnh đạo Kim Jong Un hiện chỉ phát triển vũ khí sinh học mang mục đích phòng ngừa, trong khi các nhà khoa học Triều Tiên đang xây dựng khả năng sản xuất quy mô lớn các mầm bệnh trong thời gian ngắn.
Giờ đây, khi Triều Tiên đã sở hữu các nhà máy hiện đại và đội ngũ chuyên gia đào tạo bài bản thì việc chuyển đổi mục đích có thể diễn ra trong vài tuần hoặc thậm chí vài ngày.
Những hình ảnh năm 2015 khiến các chuyên gia Mỹ có cái nhìn mới về công nghệ sinh học của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Mở khóa các bí mật về gien
Trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học quân sự Liên Xô đã bí mật phát minh siêu mầm mới nguy hiểm hơn so với các loại tìm thấy trong tự nhiên. Họ đã ghép các đoạn gien lại với nhau để tăng tính sát thương hoặc phát minh những tính năng cải trang khiến cho chúng ta khó phát hiện các mầm bệnh hơn.
Theo WaPo, chưa có bằng chứng Bình Nhưỡng đang tiếp tục công việc này, nhưng có những dấu hiệu cho thấy họ nỗ lực đưa nền nghiên cứu công nghệ gien và y sinh học lên tầm cao mới.
Các quan chức Mỹ và châu Á đều xác nhận một cách độc lập rằng: Triều Tiên cố gắng học tập kinh nghiệm từ các công ty tư nhân, viện nghiên cứu và các tổ chức phi lợi nhuận từ nước ngoài.
Triều Tiên được cho là đã sử dụng các thiết kế kỹ thuật từ một tổ chức phi lợi nhuận phi nông nghiệp của Anh để xây dựng viện công nghệ sinh học ở Bình Nhưỡng, và đã tìm cách tuyển dụng sinh viên xuất sắc từ ngành vi sinh của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở châu Âu và châu Á. Trong những năm gần đây, quốc gia này cũng tìm cách bán các dịch vụ y tế cho các nước đang phát triển, cụ thể là xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân viên cho một bệnh viện ở Zambia.
Ngọc Nguyễn