Nhiều sự kiện đón năm mới 2021 đặc sắc được tổ chức trên cả nước
Hòn đảo đầu tiên trên thế giới đón năm mới 2021 Nơi đón năm mới đầu tiên trên thế giới là đảo Tonga, đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati và nhà nước độc lập Samoa (Tây Samoa). |
Hà Nội tổ chức coutdown chào năm mới 2021 ở đâu? Vào đêm 31/12, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa, chương trình 'Đếm ngược' Coutdown và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. |
Lễ chào cờ đầu năm mới 2021 tại điểm cực Đông trên đất liền
Ngày 1/1, tại xã Hoà Tâm, thị xã Đồng Hoà - Điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ chào cờ đầu năm mới 2021 và chào đón những khách du lịch đầu tiên đến tham quan tại danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện.
Khi giai điệu hào hùng của bài Quốc ca cất lên cũng là lúc ánh bình minh đầu tiên toả trên đất liền Việt Nam, hướng ra vùng biển, vùng trời, hải đảo khiến cho lễ chào cờ đầu tiên của năm mới 2021 càng trở nên linh thiêng, hùng tráng và tự hào.
Chào cờ đầu năm mới 2021 tại điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam. |
Với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên - Trần Hữu Thế, hoạt động chào cờ đón năm mới là sự kiện mở đầu trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611 - 2021), nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào độc lập dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tự chủ của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và tất cả mọi công dân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của chuỗi các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân đầy khởi sắc của Phú Yên.
Cùng với lễ chào cờ đầu năm mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú tổ chức đón và tặng quà cho những du khách đầu tiên đến với danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng năm 2020, du lịch của tỉnh Phú Yên vẫn có tăng trưởng. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên ước khoảng 900.000 lượt, trong đó khách quốc tế ước đón 7.385 lượt, doanh thu du lịch đạt 678 tỷ đồng.
Xông đất Hội An bằng “đặc sản” Bài Chòi Bãi Đu
Tại Vòng cung Chùa Cầu, 19 vị khách đến từ Đà Nẵng là những du khách đầu tiên đến tham quan phố cổ Hội An vào ngày đầu năm mới 2021.
Đoàn rước sắc bùa đón đoàn khách xông đất phố cổ An Hội và dừng chân tại Vòng cung Chùa Cầu. |
Đúng 9h30, đoàn rước sắc bùa đón đoàn khách xông đất phố cổ từ đường Nguyễn Phúc Chu (bên kia sông Hoài), sau đó diễu hành qua cầu An Hội và dừng chân tại Vòng cung Chùa Cầu.
Tại đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch gửi trao những vòng hoa tươi thắm đến các du khách.
Sự kiện Lễ xông đất Hội An năm 2021 kết thúc với loạt hình nghệ thuật được di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại như hát bài chòi, hành trình tham quan khu phố cổ, tham quan các làng nghề như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế.
Lễ mừng lúa mới của người Bahnar ở Gia Lai
Để chào đón năm mới và ăn mừng vụ lúa vừa thu hoạch, người Bahnar tại Tây Nguyên thường tổ chức lễ mừng lúa mới để cảm tạ Thần Lúa - Yang Sri.
Cứ đến dịp này, những người đàn ông khi làm lễ tạ ơn tại nhà Rông đều khấn cầu Yang Sri ban sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình và mong năm sau dân làng sẽ có vụ mùa bội thu.
Những dụng cụ mà người phụ nữ sẽ dùng trong phần lễ và hội của ngày mừng lúa mới. Ảnh: Vietnam+ |
Lễ mừng lúa mới cho biết, đây là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Bahnar nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung. Lễ thường được tổ chức vào dịp cận kề năm mới, ngay sau khi dân làng thu hoạch xong vụ lúa như một nghi lễ đón chào năm mới.
Theo lời già làng Xrươnh, trước khi gặt lúa, theo thường lệ, mọi nhà sẽ chọn khoảnh lúa tốt nhất, đẹp nhất để dành riêng cho việc cúng Yang Sri. Sau khi gặt lúa, phơi, chất đầy bồ thì số lúa đẹp nhất sẽ được phụ nữ trong gia đình đem rang vừa chín tới rồi bỏ vào cối gỗ, giã thủ công thành cốm. Lễ vật đi kèm cốm lúa mới của mỗi gia đình người dân tộc Bahnar là một con gà nướng và một ghè rượu.
Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội sẽ kéo dài 3 ngày. Đội cồng chiêng sẽ đi đến từng nhà, đứng đánh một hồi chiêng chúc mừng gia chủ.
Lễ mừng lúa mới của dân tộc Bahnar tại Gia Lai là một trong những nét văn hóa đặc sắc vẫn còn lưu giữ được đến thời điểm hiện tại. Những nét văn hóa đặc trưng này cần được bảo tồn và lưu giữ để các thế hệ con cháu sau này tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Tái hiện lịch sử qua Lễ ban lịch của triều Nguyễn
Lễ ban lịch của Triều Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tái hiện lại. Lê ban lịch còn có tên gọi là khác Lễ Ban sóc.
Lễ Ban sóc được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tái hiện. |
Lễ Ban sóc được tổ chức thực sự quy mô là vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám.
Với người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc xem lịch giúp theo dõi thời gian, thời tiết phục vụ công tác nông vụ, cũng như những thay đổi của tiết trời, ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Việc tái hiện Lễ Ban sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách cùng người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản cố đô Huế trong ngày đầu năm mới với nhiều hy vọng đang gần đến.
Hà Nội đón đoàn khách du lịch đầu tiên năm 2021
Sáng 1/1/2021, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức lễ chào mừng đoàn khách du lịch đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội năm 2021 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đoàn khách 20 người được các đơn vị tặng những món quà đặc trưng của Hà Nội. (ảnh: Báo HNM) |
Đây là đoàn khách nội địa gồm 20 khách, từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham quan. Đây cũng là đoàn đầu tiên lựa chọn Công ty lữ hành Hanoitourist và Hãng hàng không Vietnam Airlines để thực hiện chuyến du lịch đầu năm tại Hà Nội. Trước buổi lễ, các du khách đã được tặng những món quà đặc trưng của Hà Nội, tham gia buổi lễ dâng hương, nghe chúc văn tại nhà Tiền đường Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Sự kiện chào mừng đoàn khách du lịch đầu tiên đến Hà Nội năm 2021 nhằm hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh về văn hóa và con người Hà Nội, một Thủ đô với bề dày lịch sử hơn ngàn năm tuổi, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, nơi có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn với hệ thống sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao.