Nhiều người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch được làm thẻ căn cước
Theo ghi nhận của báo Công an TP.HCM chiều ngày 2/7, nhiều người dân đã đến Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quận 10, TPHCM nộp hồ sơ và được các cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn nhiệt tình.
Nhiều người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Ảnh: Báo Công an TP.HCM |
Bà Sây Fara (64 tuổi, ngụ Quận 10) kể: bà có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam, bà sinh ra và lớn lên tại Campuchia.
Đến năm 1970, bà cùng gia đình về Việt Nam sinh sống. Do có một số trục trặc trong giấy tờ nên bà chưa được nhập quốc tịch Việt Nam. Từ đó đến nay, bà chỉ được Công an TP.HCM cấp thẻ thường trú, nên có nhiều bất tiện trong đời sống như không mua được thẻ bảo hiểm y tế…
Bà cũng không thể làm giấy khai sinh cùng các giấy tờ tùy thân khác cho con gái Sây Phương Trinh. Để con gái được đi học, bà đã phải thực hiện rất nhiều thủ tục, qua nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện do không có giấy tờ tùy thân nhưng bà Sây Fara khẳng định quyết tâm phải chờ đến ngày có giấy tờ chứng minh bà là người Việt Nam.
Trung tá Kiều Thị Nguyệt, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quận 10 cho biết, trong ngày đầu triển khai Luật Căn cước 2023, đơn vị đã giải quyết thành công cho 4 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt, không có quốc tịch, không có hộ khẩu thường trú. Sau đó đơn vị đã truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06). Ngoài ra, Công an Quận 10 cũng cấp mới, cấp đổi cho 314 hồ sơ.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, qua khảo sát, phần nhiều người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là những người yếu thế, dễ bị tổn thương (người di cư, không có nhà ở, không có công ăn việc làm, con cái không được đi học, cuộc sống bấp bênh, tạm bợ "nay đây mai đó", người dân tộc thiểu số, người nghèo, người sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa...).
Đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều thế hệ cấp giấy tờ tùy thân và không được thực hiện các quyền cơ bản của con người, khó tiếp cận được với dịch vụ của Nhà nước và xã hội.
Do đó việc cấp giấy chứng nhận căn cước có thể giúp họ tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống; thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, từ 1/7, đã sẵn sàng thu nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch tại các điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước tại công an cấp huyện.
Điều 30 Luật Căn cước quy định, Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.