Nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, đạt 1,7 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD. Theo đó, tăng 19,1% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 4.232,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, cùng thời gian trên, số liệu của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy, việc nhập khẩu xoài của Hàn Quốc đạt 22 nghìn tấn, trị giá 95,3 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân vào Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 4.326,2 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc (Ảnh minh họa: Internet). |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường có dung lượng nhập khẩu trái cây tươi lớn, giá trị hơn 1,6 tỷ USD/năm và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, trái cây tươi của Việt Nam mới chiếm thị phần rất khiêm tốn tại thị trường này.
Hàn Quốc là thị trường rất giàu sức mua với thu nhập bình quân đầu người trên 30 nghìn USD/năm, kim ngạch nhập khẩu khoảng 700 tỷ USD/năm. Do đó, dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu, nhất là trái cây; trong đó, có xoài của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc còn rất lớn.
Hơn nữa, đây là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam. Hai nước đã cùng tham gia các FTA như Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 đã mang lại những cơ hội đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Công ty Vinaka - một doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến cho biết, thị trường Hàn Quốc rất tiềm năng, khá phù hợp với đầu ra cho nông sản Việt Nam nhưng tiêu chuẩn đối với sản phẩm rất cao, ngang với tiêu chuẩn chất lượng thị trường Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, giá cả ổn định. Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì sản phẩm của Việt Nam chưa đa dạng và bắt mắt, chưa bằng của Thái Lan, Philippines.
Còn ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty Good Farmers (chuyên xuất nhập khẩu nông thủy sản, thực phẩm chế biến) cho biết, Hàn Quốc rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng hóa chất. Đối với hàng thủy hải sản, họ rất quan tâm đến lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trước khi xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc cần kiểm tra tại các cơ sở kiểm định có uy tín để tránh bị trả lại hàng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến thực phẩm biến đổi gen. Đồng thời, để có thể xúc tiến xuất khẩu sang Hàn Quốc hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tham gia hội chợ ở Hàn Quốc để nắm bắt sở thích nhu cầu của người bản xứ…