Nhiều chính sách kích cầu người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 122.004 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 135,56% kế hoạch năm).
Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 60.105 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 53.883 lao động, Hàn Quốc 1.732 người, Singapore 1.663 người và một số thị trường khác.
Để đạt được kết quả trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, đề xuất nhiều giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, tìm kiếm những ngành nghề, thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Ngoài ra, Bộ còn làm việc với cơ quan chức năng các nước về mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, tăng số lượng nhập cảnh cho lao động được đào tạo khi đã hoàn thành các thủ tục; đề nghị nước tiếp nhận có chính sách tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động.
Để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 21/2/2022) trong đó đưa ra nhiều quy định nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo Quyết định này, chỉ với mức đóng góp Quỹ 100.000 đồng/người/hợp đồng, người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ khi phải về nước trước thời hạn do: bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài; do người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác; do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục.
Quỹ cũng hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, khi người lao động phải về nước trước hạn trong các trường hợp trên có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được Quỹ hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với mức đóng góp Quỹ là 150.000 đồng/người lao động/hợp đồng, Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát triển và ổn định thị trường lao động ngoài nước; giải quyết rủi ro liên quan đến người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết về nước.
Để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sắp tới hiệu quả hơn, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Chính phủ cần có chính sách thu hút, thúc đẩy, phát triển ngành nghề, kỹ năng Việt Nam cần trong tương lai hoặc Việt Nam hướng tới hiện nay như cơ khí, đóng tàu, kỹ thuật ôtô, điện tử.
Đặc biệt, đối tượng làm điều dưỡng rất cần vì Việt Nam đối diện già hóa dân số, các nước thiếu người hỗ trợ người bệnh trong các nơi điều trị. Nhà nước cũng cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài để ba nhà gồm nhà trường - nhà doanh nghiệp và Nhà nước cùng đạt được lợi ích.
Ông Nguyễn Gia Liêm cũng lưu ý, hiện Việt Nam không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn nhận lượng lao động phổ thông nhất định để làm việc đơn giản như giúp việc, chăm sóc gia đình...
Vì thiếu nhân lực, các nước có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu cho lao động nhập cảnh đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ... Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối với quy chuẩn nước họ.