Nhiễm trùng vết thương: 6 dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị phù hợp
Trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày, có lẽ, những vết xước hoặc vết cắt gây tổn thương da là một điều khó tránh khỏi với tất cả mọi người. Thông thường, những vết thương này sẽ tự lành lại bởi cơ chế tự liền da hoặc tác động của các loại thuốc bôi ngoài da giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Song, có đôi khi bạn cũng gặp phải những trường hợp tình trạng vết thương nặng hơn do vô tình hoặc không biết cách chăm sóc, sát khuẩn vết thương để vi khuẩn xâm nhập, gây ra nhiễm trùng vết thương.
Với những vết thương hở, nếu không biết cách chăm sóc rất có thể bị nhiễm trùng. |
Dấu hiệu của nhiễm trùng vết thương
Với những vết thương đã bị nhiễm trùng, thực chất chúng ta có thể theo dõi và quan sát bằng mắt thường, thậm chí qua cảm giác. Bởi, khi bị nhiễm trùng, những vết thương đó sẽ bị hở, dẫn đến mưng mủ và sưng. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như:
Vết thương hở bị sưng: trong thời gian đầu khi người bệnh mới bị thương, người bị thương dễ gặp phải trường hợp này. Tuy nhiên, nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng thường bị sưng 4 - 6 ngày sau đó.
Vết đỏ xuất hiện từ ngoài vào trung tâm và sưng hạch: hạch đóng vai trò quan trọng trong cơ chế đề kháng của cơ thể khi gặp vi khuẩn. Do vậy, nếu thấy hạch sưng, đỏ có nghĩa là bạn đang bị vi khuẩn xâm nhập và vết thương của bạn đang bị nhiễm trùng.
Vết thương có dấu hiệu đỏ, sưng và phù nề: dấu hiệu này thông thường chỉ xuất hiện do vết thương đang đáp ứng miễn dịch của cơ thể khi có sự xâm nhập lạ. Nhưng nếu vết thương sưng, phù nề kéo dài nhiều ngày sau khi bị thương thì bạn nên đi khám khẩn cấp để tránh bị nặng hơn.
Vết thương chảy mủ dạng dịch màu, có mùi hôi: với dấu hiệu này, chắc chắn bạn đã bị nhiễm trùng vết thương. Thậm chí còn có thể bị hoại tử. Nếu phát hiện dấu hiệu này, bạn nên tới cơ sở y tế ngay để được bác sĩ xử lý vết thương kịp thời.
Cảm giác đau đớn tăng dần: thay vì giảm đau dần theo thời gian, những vết thương bị nhiễm trùng thường sẽ khiến người bị thương cảm thấy đau đớn hơn. Tình trạng này diễn ra là do tế bào bạch cầu phải chiến đấu để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, tác nhân bên ngoài gây nhiễm trùng nên người bệnh sẽ thấy vết thương rất đau.
Bệnh nhân có dấu hiệu sốt: tuỳ vào vết thương nặng hay nhẹ mà sốt có cao hay không. Song, khi xuất hiện dấu hiệu sốt cao toàn thân, sốt trong một khoảng thời gian nhất định, đi kèm mệt mỏi, vết thương này hầu hết đều đã trở nặng.
Khi vết thương bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc và ăn uống hợp lý để tránh tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. |
Cách chăm sóc vết thương bị nhiễm trùng
Khi phát hiện vết thương đã bị nhiễm trùng, bạn cần tiến hành kiểm tra vết thương bằng cách quan sát, theo dõi thường xuyên bằng mắt thường. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý là tuyệt đối không được sờ, chạm tay tùy tiện vào vết thương.
Đối với những vết thương bị nhiễm trùng nhẹ, nếu có dấu hiệu đau nhức, hơi sưng, xuất hiện ít mủ, bạn có thể xử lý bằng cách:
Rửa sạch tay, lau khô tay trước khi chạm vào vết thương.
Sau đó, rửa vết thương với nước muối sinh lý 3 lần một ngày (tuyệt đối không được rửa bằng cồn hay oxy già vì có thể làm chết tế bào mới hình thành).
Trong trường hợp vết thương đã được khâu lại thì không được ngâm nước.
Sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ và thay băng vết thương hàng ngày.
Nếu hệ miễn dịch tốt, và vết thương nhẹ, hầu hết mọi vết thương sẽ lành lại sau một thời gian ngắn, nhưng nguy cơ nhiễm trùng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bạn là người có hệ miễn dịch yếu.
Với những vết thương bị nhiễm trùng nặng, hoặc đã chăm sóc kĩ lưỡng nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Tại đây, các bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp. Theo đó, có thể sẽ phải tiến hành loại bỏ vi khuẩn, dịch mủ và mô hoại tử bằng thủ thuật cắt bỏ phần hoại tử. Đây là cách duy nhất giúp loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng, tránh để tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
Trong thời gian điều trị vết thương bị nhiễm trùng, người bệnh nên kiếng một số loại thực phẩm như: rau muống, trứng, hải sản, đồ tanh, trứng, thịt bò, thịt chó, thịt gà và đồ nếp... |