Nhặt rác, bảo vệ “lá phổi xanh” Sơn Trà
Vì một điểm du lịch xanh
CLB nhằm góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà thông qua các hoạt động truyền thông và nghiên cứu của sinh viên, cựu sinh viên, cán bộ trẻ khoa Sinh – Môi trường (trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng).
Kể từ khi bán đảo Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở TP. Đà Nẵng cũng là nơi này bị đe dọa bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường do lượng lớn rác thải mà người dân và du khách thiếu ý thức vứt bừa xuống cỏ, hay nhét vào hốc cây.
Các bạn trẻ tham gia vào việc giữ gìn môi trường xanh ở bán đảo Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà được nhiều người ví von như “lá phổi xanh”, điều tiết khí hậu, chặn gió bão cho TP. Đà Nẵng, đồng thời là địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng, tuyệt đẹp. Green Việt phối hợp cùng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng triển khai các chương trình: “Tôi yêu Sơn Trà”, “Vì một Sơn Trà xanh”, “Giới thiệu về đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà”... Ngoài việc giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, hệ động thực vật phong phú, Green Việt xây dựng mạng lưới tình nguyện, tổ chức thu gom rác thải định kỳ 2 lần/tháng, trong mùa du lịch cao điểm từ tháng 4 đến tháng 9.
Theo chị Lê Trang, Phó Giám đốc Green Việt, chương trình nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà. Thông qua chương trình hành động này, CLB muốn gửi đến cộng đồng thông điệp: “Hãy cùng chung tay vì sự bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà, hãy bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam”.
Khi nghe lời kêu gọi về kế hoạch nhặt rác quanh khu vực khu du lịch Sơn Trà, Trương Thị Bùi Diệu (sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) liền liên hệ để tham gia.
“Trời đất ưu ái ban tặng cho cộng đồng những địa danh, danh thắng đẹp để chúng ta tận hưởng nhưng phải có trách nhiệm. Mong mọi người cùng nhau giữ gìn, góp một chút ít sức nhỏ bảo vệ môi trường trong xanh, tạo điểm đến thú vị cho nhiều người khác nữa”, Diệu bày tỏ.
Theo chị Lê Trang, từ khi phát động chiến dịch nhặt rác, nhiều bạn trẻ rất thích thú hưởng ứng, kéo theo đó lượng rác tại bán đảo Sơn Trà giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tham gia bằng cách ủng hộ kinh phí, hỗ trợ vật dụng chứa đựng rác.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường sinh thái
Võ Thị Thu Thảo, cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, ý thức của em về rác thải và vệ sinh môi trường thay đổi rất nhiều sau khi tham gia thu gom rác dịp Tết Ất Mùi 2015 do Green Việt tổ chức. Mỗi thành viên được trang bị túi đựng, kẹp gắp rác để có thể chủ động nhặt rác mọi lúc, mọi nơi. Thảo chia sẻ, việc làm của em chỉ muốn nhắn gửi một thông điệp: “Đừng để người khác phải nhặt rác do mình vứt ra, nhất là ở những nơi có nhiều du khách quốc tế thăm quan, thưởng ngoạn”.
Sau quá trình thu gom, rác được phân loại, đem bán gây quỹ bảo vệ môi trường
Song song với hoạt động thu gom rác thải, thành viên trong CLB Green Việt cũng tích cực triển khai bán hàng với mục đích quảng bá về sự đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà và gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiết thực khác. Toàn bộ số rác nhặt trong ngày được các thành viên CLB tập trung lại, sau đó phân loại rồi bán gây quỹ làm panô, bảng biển tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Anh Trần Hữu Vỹ (từng là sinh viên khoa Sinh – Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng khóa 2002 – 2006; nay là chuyên viên dự án Bảo tồn thú linh trưởng tại miền Trung, chương trình Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam) cho biết: Với số tiền thu được từ hoạt động bán hàng và sự ủng hộ của cá nhân, tổ chức, CLB sẽ dùng để phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn TP. Đà Nẵng tổ chức cho học sinh thăm quan, tìm hiểu về thiên nhiên Sơn Trà. Đồng thời, CLB cũng hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên khoa Sinh – Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng...
Sắp tới, CLB sẽ mở rộng hoạt động ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Trong thời gian tới, các thành viên trong CLB Green Việt cũng sẽ tích cực mở rộng phạm vi hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
An Vinh