Nhật Bản thông qua dự luật an ninh đầy tranh cãi
Tổng thư ký Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga
Trả lời họp báo, Tổng thư ký Nội các Yoshihide Suga tuyên bố: "Xét tình hình hiện tại liên quan tới khủng bố, hướng đến Thế vận hội Olympic và Paraolympic 3 năm tới, (chúng ta) cần phải chuẩn bị đầy đủ để ngăn chặn tội phạm có tổ chức, bao gồm cả khủng bố".
Theo ông Suga, dự luật chỉ áp dụng cho các nhóm đối tượng chuẩn bị thực hiện các hành vi khủng bố, cũng như các nhóm tội phạm có tổ chức khác. Những "hoạt động hợp pháp" của các nhóm dân sự hoặc công đoàn sẽ nằm ngoài phạm vi của dự luật.
Năm 2000, Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Công ước chống lại Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC). Kể từ đó, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực thông qua 3 dự luật tương tự, nhưng dự luật mới được coi là có nhiều cơ hội thành công hơn cả.
Kết quả thăm dò do hãng tin Kyodo công bố hôm 12/3 cho thấy 45,5% phản đối dự luật và 33% ủng hộ. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chiếm đa số 2/3 ghế ở cả 2 viện và mối lo ngại về khủng bố trước thềm Olympic 2020 đã gia tăng sau nhiều vụ tấn công gây chết người ở nước ngoài.
Những người ủng hộ dự luật cho rằng đây là một bước chuẩn bị rất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh ở Nhật Bản trong bối cảnh nguy cơ khủng bố gia tăng, đồng thời tiến tới phê chuẩn CTOC để ngăn chặn tội phạm có tổ chức quốc tế.
Phe phản đối, trong đó có Liên doàn các hiệp hội luật sư Nhật Bản (JFBA), lại có ý kiến khác. Họ cho rằng dự luật là một nỗ lực của ông Abe nhằm thắt chặt kiểm soát quyền cá nhân, xoa dịu những hành động phản đối của người dân đối với các quyết định của chính phủ.
JFBA cho biết: luật pháp Nhật Bản đã cấm lên kế hoạch thực hiện một số hành vi tội ác nghiêm trọng như giết người, đốt phá, giả mạo, âm mưu đánh bom hoặc sử dụng chất nổ, vì thế dự luật bổ sung như mới đây là không cần thiết.
Trọng Sang