Nhận diện hoa Đà Lạt ở Sài Gòn
Và cũng nghĩ kiểu lời nhạc “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa” chỉ là lời tán tỉnh, khen tặng một xứ sở, và chỉ thuộc về văn chương, nghệ thuật. Rồi Sài Gòn đã hiện ra. Và “nhân vật” chính của lần xuống núi này duy nhất là... hoa.
Nhận diện hoa Đà Lạt ở Sài Gòn |
Đó kìa, những cửa hiệu hoa tươi sang cả nhất ở Sài Gòn sao nó cứ hay nằm ở góc các ngã tư, ngã ba, ngã năm, ngã bảy thế này nhỉ !? Tôi ngạc nhiên, so với ở xứ mình, Đà Lạt. Chắc là hoa thì phải được cưng và khoe sắc, được cất tiếng “Tôi là...”. Nhiều khi đèn đỏ đã chuyển sang xanh, mà ánh mắt tôi vẫn còn dõi vào trong đó. Bao lần bước vào các cửa hiệu đó, lòng đều thấy âm ấm. Chợt man mác niềm tự hào. Tự hào vì đó là phẩm vật cửa xứ mình, cứ như nó là “sứ giả” của phố lạnh cao nguyên. Thứ “sứ giả” nhẹ nhàng, sâu lắng, không ồn ào, kèn trống, băng rôn, chiến dịch-không cần PR. Hữu xạ tự nhiên hương là thế này chứ đâu nữa. Thế gian là thế, cái gì đẹp, có giá trị thì người ta tìm đến, tán tỉnh, rước cưới về. Các cửa hiệu ấy bảo, hầu hết hoa cắt cành bán lẻ hay cắm vào giỏ, lẵng ở đây đều hoa Đà Lạt, từ trước đến giờ. Mấy chục năm sống ở Đà Lạt mình chưa bao giờ kiếm hạt cơm chén cháo nào từ nghề trồng hoa mà sao ta mãi lâng lâng hạnh phúc tràn đầy thế này. Từ các cửa hiệu bán hoa xa xỉ kia, đủ biết hoa cắm trong các khách sạn sang trọng ở TP.HCM sẽ là hoa nào thôi. Ở Việt Nam, nếu là Hoa, không phải “Hoa Đà Lạt” thì đâu hơn. Khẩu ngữ xưa nay của tôi, “Hoa Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giờ ai đó lấy làm slogan cho phố núi khởi từ cảm xúc thân thương, lặng lẽ, tự nhiên đó. Bây giờ giữa Sài Gòn này tôi cầm từng cành hoa lên, này là ở Thái Phiên, này là ở Vạn Thành, này là ở Sồng Sơn, này là ở Nam Hồ, Trại Mát, này là ở Đa Thiện, này là ở Da Sar, này là ở K’Long... Giữa một Sài Gòn lúc nào cũng hừng hực oi nóng mà mát đi. Cái dạ như bảo: Mày cứ mát nữa đi, mát được chừng nào thì mát. Mày sống ở trên đó mà!. “Đà Lạt đồi núi trập trùng/ Đà Lạt trời, mây nước mênh mông” mà. Đang dạo chơi, làm lữ khách tài tử bất đắc dĩ của TP.HCM mà rừng thông xa xa, những khu nhà vườn ở ngoại ô phố núi như đang réo gọi.
Một cô gái bán hoa tươi với xung quanh rực rỡ hoa Đà Lạt ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ. |
Một thanh niên đóng kết hoa Đà Lạt để bán. |
Nhưng chợ hoa Hồ Thị Kỷ đây rồi. Đây là chợ hoa của mọi chợ hoa, gian hàng hoa ở thành phố này. Cái chợ hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước chỉ để bán một thứ duy nhất, là hoa, và kỳ lạ chỉ độc nhất Hoa Đà Lạt. Nó tên thế kia vì nó nằm chính trên đường Hồ Thị Kỷ, thuộc một quận trung tâm của đô thị này, Quận 10. Chính quyền TP.HCM gọi đây là chợ hoa đầu mối, nhưng người phương xa trực kiến thì cảm nhận nó là những hàng phố hình bàn cờ chuyên doanh hoa chứ không như hình thái về chợ là phải độc lập với những khu dân cư, dãy phố. Không phải ngẫu nhiên mà cái chợ nhỏ bé và mỗi ngày thực sự là chợ chỉ vài giờ thôi mà trở thành chợ nổi tiếng cả nước. Đơn giản vì nó liên quan đến hoa, Cái Đẹp. Vì vậy mà khách Tây hay lạc vào đây để tìm hiểu sinh hoạt của nó. Chợ hoa này bỗng thành “người đại diện” của cao nguyên Langbian ở đại đô thị phù sa hạ nguồn, nối dòng Dà Đờng sông Mẹ thượng nguồn xa tít tắp và dòng sông Sài Gòn bên cửa biển. Chợ mà cứ như “Tình nhân” của Đà Lạt. Một mảnh “Linh hồn” Đà Lạt ở “Hòn Ngọc Viễn Đông”-cách tự hào của người Sài Gòn về thành phố của mình. À không, phải gọi là “Nhiệt kế” mới đúng. “Nhiệt kế” đo nền trồng hoa và nhịp điệu thị trường của hoa Đà Lạt hằng ngày ra sao, rằng chỉ cần nhìn vào cái chợ này. Chợ này “đi ngủ” từ 20h đêm và đến 01h sáng thì “thức dậy”. Từ các sạp hàng trong chợ lồng nhỏ kia cho đến các dãy phố bao bủa xung quanh đồng loạt “thức dậy”. Chín mươi lăm phần trăm các nhà phố kia đều làm nghề buôn bán hoa mà. Các hộ đó nếu không buôn sỉ thì cũng bán lẻ hoa, không đóng gói thì cũng cắm hoa dịch vụ thành phẩm. Từ một giờ, hoa Đà Lạt về - từ cao nguyên bằng những chuyến xe tải qua đường 20. Nhịp sống đêm bỗng tưng bừng, đàn bà, đàn ông, xe cộ, tiếng người lao xao; người vác, kẻ khiêng, chất, sắp xếp... Người ta xuống hàng, tiếp nhận, phân loại, vào sổ sách, điều phối... Trên các thùng hoa đều đóng bằng thùng carton đó bao giờ cũng ghi chủng loại hoa, số lượng cành, tên và số điện thoại người tiếp nhận. Nhiều chiếc xe tải đó chỉ thấy tài xế và phụ xe, còn chủ của số hàng hoa đó chẳng thấy đâu. Hỏi ra thì “đầu nhận” ở chợ bảo là tất cả đã làm việc qua điện thoại ngày trước rồi, còn tiền chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng. Xưa nay cả hai đầu đều bán - mua bằng niềm tin vậy đó. Đầu mua không phải đưa tiền trước mà bán xong hoa thì trả tiền, ít ngày sau đó, gối đầu hoặc dồn lại vài chuyến. “Sài Gòn” với “Đà Lạt” làm ăn dễ vậy đó, cứ như sự kết hợp của một cực năng động và chịu chơi vào một cực là thật thà và điềm nhiên. Và cảnh nhộn nhạo đó biến mất độ hai giờ sau đó, với hoa đã được chuyển đi bằng xe tải hạng nhẹ hơn để về các tỉnh thành khác cũng như hệ thống chợ nhỏ lẻ, các cửa hiệu hoa ở các quận huyện của thành phố này. Đến lúc này thì các dãy phố trở về với sự bình thường, để hai tiếng sau đó nữa các căn hộ trở thành những cửa hiệu hoa lẻ như tôi thấy ban ngày ở các ngã tư, ngã ba ở các quận khác cách xa chợ hoa “trái tim” này. Hoa mà, mọi ứng xử với nó đều phải nhẹ nhàng, đặc biệt là nhanh gọn, “gả”, “cưới” ngay, không thì chết chắc, tàn đời hoa.
Một nữ tu đi mua hoa hồng Đà Lạt ở TP.HCM. |
Trong mắt người Sài Gòn, Thủ đô (Hà Nội) thì không tính rồi, mọi tỉnh thành đều là “Tỉnh lẻ”, nhưng phải ngoại trừ “ Đà Lạt” là bởi vậy, chính từ chất “Tây”(đô thị do Pháp kiến lập) và Hoa. Về mặt tinh thần một xứ sở thì “Đà Lạt” nó cao đến ngọt ngào, cao ở giá trị của nó, chứ không phải ở cao trình địa lý 1500m so với mặt biển. Hoa làm Đà Lạt kiêu sang sừng sững trong tâm thế tĩnh lặng của mình. Giả dụ nền trồng hoa Đà Lạt bỗng dưng “biến mất” thì Sài Gòn kia chắc chếnh choáng, sẽ chẳng biết ra sao nhỉ (!). Hoa Đà Lạt đã “đánh” gục trái tim người Sài Gòn. Chinh phục thị dân và thị trường của đô thị lớn nhất nước này thì dĩ nhiên sóng hấp lực của nó phủ ra khắp nước rồi.
Giờ thì Hoa Đà Lạt đã không còn là nông phẩm, hàng hóa, mà trở thành… Văn Hóa. Nó là “tinh thần” của Đà Lạt, là Đại sứ của Đà Lạt. Sự thật không thể nói khác hơn. Nhờ đặc ân trời, cái lạnh của cao nguyên Langbian, và đất Feralic, Bazan ngọt ngào đượm lành, cùng sự khéo tay của những dân cày không dính dáng gì đến “Du lịch” kia ở ngoại ô xứ sở tôi.
Thông tin pháp luật sáng 16/12: Tư thù sau va chạm giao thông, thuê côn đồ chặt lìa tay công nhân ở Sài Gòn Thông tin pháp luật sáng 16/12: Tư thù sau va chạm giao thông, thuê côn đồ chặt lìa tay công nhân ở Sài Gòn; Bắt đối tượng xách 2 túi ma túy đá về xuôi tiêu thụ; Ôm mộng đổi đời bằng ma túy, chồng lĩnh án tử hình, vợ ngồi tù… là những tin pháp luật nổi bật hôm nay. |
Đêm chung kết Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu 2020 diễn ra ở đâu? Chung kết Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu 2020 sẽ chính thức diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 23/12/2020 tại sân khấu Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng |
Tai nạn giao thông sáng 8/11: Xe máy lao lên vỉa hè tông cột đèn ở Sài Gòn, nhân viên ngân hàng tử vong Tai nạn giao thông sáng 8/11: Xe máy lao lên vỉa hè tông cột đèn ở Sài Gòn, nhân viên ngân hàng tử vong; Exciter chui vào đuôi container, thiếu niên 16 tuổi tử nạn; Tài xế xe bồn bỏ đi sau khi cán nam sinh lớp 10 thiệt mạng… là những sự kiện tai nạn giao thông (TNGT) đáng chú ý sáng 8/11/2020. |