Nhà bằng tiểu sành và mật ong ở làng Thổ Hà
Về làng gốm Thổ Hà, nhiều người ngỡ ngàng vì những bức tường cũ được xây bằng vật liệu chính là tiểu sành, mảnh gốm. Mỗi tiểu sành có chiều dài chừng 40cm, chiều rộng 20cm, phía bên trong rỗng hoàn toàn và có hai lỗ thoáng khí.
Khi dùng xây nhà, tiểu sành được úp mặt rỗng quay vào phía trong ngôi nhà. Mỗi bức tường tiểu sành dày chừng 40 – 50cm. Bà con Thổ Hà lấy chính lớp bùn dưới sông Cầu cạnh đó để kết dính những tiểu sành và mảnh gốm với nhau.
Làng Thổ Hà hiện còn những ngôi nhà, tường được xây bằng tiểu sành
Dựa theo những tấm bia minh văn và tư liệu khảo cổ thì những bức tường làm từ tiểu sành có cùng thời với sự ra đời của làng gốm Thổ Hà từ thế kỷ XII. Thời điểm đó, gốm Thổ Hà được bán khắp nơi, quanh làng có hàng chục bến đò tấp nập thuyền buôn từ các nơi đổ về buôn bán. Mặt hàng tiểu sành (dùng đựng hài cốt) tiêu thụ mạnh hơn. Trong quá trình nung gốm, những sản phẩm chất lượng kém, hỏng, vỡ được người dân tận dụng để xây nhà, làm ngõ... Điều này đã vô tình tạo nên nét truyền thống riêng biệt của làng Thổ Hà so với những nơi khác.
Ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà kể lại: "Trên đất nước Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất làng Thổ Hà mới có những ngôi nhà được xây dựng từ tiểu sành, mảnh sành vỡ chứ không phải bằng gạch. Truyền thống này có từ xa xưa, cho đến khi nghề biến mất, người dân mới chuyển sang xây nhà bằng gạch chỉ. Hồi những năm 1980 – 1984, nghề gốm vẫn còn thịnh hành lắm. Ven làng Thổ Hà, cứ cách vài chục mét lại có một lò nung gốm. Những sản phẩm thải, vỡ đều được tận dụng để làm vật liệu xây dựng. Có thời điểm, người Thổ Hà xây nhà không hết phải đổ đi".
Đó là một trong những lý do người dân Thổ Hà dùng tiểu sành xây nhà. Tuy nhiên, lý do chính là đồ gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra và thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Những bức tường xây bằng tiểu sành và mảnh gốm có sức chịu nóng, chịu lạnh rất tốt. Lúc đại hàn, trong nhà luôn tỏa ra hơi ấm, ngày nắng nóng thì trong nhà mát lạ thường.
Ong chui qua những lỗ nhỏ để vào làm tổ trong những tiểu sành này
Những tiểu sành này rỗng bên trong, lại có những lỗ nhỏ bên ngoài nên được loài ong “tận dụng” làm thành tổ của mình. Vì thế, mỗi bức tường nhà của người dân Thổ Hà có đến vài ba chục đàn ong sinh sống.
Mặc dù vậy, như một thứ luật bất thành văn, chủ mỗi ngôi nhà có ong trú ngụ không bao giờ được lấy mật bởi có thế khiến chúng bỏ đi hoặc tấn công nguy hiểm. Đã có trường hợp, kẻ trộm vào nhà người dân nơi đây lấy trộm mật và bị ong đuổi đốt.
Hiện nay, do môi trường sống thay đổi, đàn ong đã bay đi nơi khác sinh sống.
Linh Giang