Nguyên sơ, thanh bình - Nà Phòn (Mai Châu) "mê hoặc" khách quốc tế
Vùng đất đậm chất nhạc, tình
Vượt qua những cung đường quanh co, uống khúc; vượt lên những tầng mây mù bao phủ, luồn qua sương mai buổi sớm, chúng tôi tới Nà Phòn vào một ngày đầu tháng 12. Đang nuối tiếc mùa thu hoạch với những cách đồng đầy lúa chín vàng đã đi qua thì chúng tôi nghe trong gió, trong sương có tiếng lốc cốc nhịp nhàng, vui tai. Đó là tiếng Keeng Loóng. Theo một người dân địa phương, người Thái ở huyện vùng cao Mai Châu sử dụng Keeng Loóng vào những đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, lễ Xên bản, Xên mường, lễ Chá chiêng, Tết Nguyên đán...
Nhóm phụ nữ Thái bản Nà Phòn múa sạp cho du khách trải nghiệm. |
Tới nơi, chúng tôi gặp 8 người phụ nữ Thái đang tạo những bản nhạc từ 2 dụng cụ thô sơ. Loóng được làm từ loại gỗ tốt, có tiếng vang, thanh. Người ta chọn cây to, thẳng, được chặt thành khúc, tùy theo người muốn làm Loóng to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Keeng Loóng xuất phát từ cuộc sống lao động của người Thái Mai Châu, với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hàng ngày. Trong khi giã gạo, họ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy. Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ. Keeng Loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà, nhật thực... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng để tăng thêm không khí vui tươi, náo nức. Số lượng người Keeng Loóng phụ thuộc vào Loóng dài, ngắn, hoặc tùy từng thời điểm hoàn cảnh để chia người Keeng Loóng.
Cũng tại Nà Phòn, du khách dễ dàng được thấy, trải nghiệm những điệu múa sạp. Những người phụ nữ Thái trong trang phục truyền thống, mảnh vải lụa mềm, những bước chân vui và nhạc vụ thô sơ biến múa sạp thành một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo. Nhảy sạp không chỉ tạo bầu không khí sôi động, náo nhiệt mà còn thu hút nhiều du khách muốn trải nghiệm.
Theo đại diện nhóm văn nghệ bản Nà Phòn, trước đây, nhảy sạp, đánh keeng loóng chỉ được tổ chức trong các ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi Nà Phòn phát triển mạnh du lịch cộng đồng và nhiều du khách muốn trải nghiệm, tìm hiểu về nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn thì các xóm ở Nà Phòn đã thành lập đội văn nghệ, tổ chức múa sạp, đánh keeng loóng để du khách trải nghiệm, thưởng thức. Qua đó góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hoá của đồng bào Thái Trắng nơi đây.
Việt Nam - đất nước đặc biệt
Ambra Manera (du khách Italy) tới bản Nà Phòn cùng bạn trai vào sáng 5/12 bằng chiếc xe Win. Đang trên đường di chuyển, cô cùng bạn dừng lại vì tiếng nhạc của một nhóm múa sạp bên đường. Khi nhận được những nụ cười, cánh tay vẫy gọi của những người phụ nữ địa phương, Manera ngay lập tức trải nghiệm múa sạp cùng bà con. Sau đó, cô tiếp tục trải nghiệm dệt vải, tìm hiểu văn hóa địa phương.
Ambra Manera (du khách Italy) trải nghiệp dệt vải tại bản Nà Phòn. |
Khi được hỏi, Manera chia sẻ: "Mấy năm trước chúng tôi đã đến Đông Nam Á nhưng chưa có dịp đến Việt Nam. Năm nay, tôi cố gắng sắp xếp công việc để du lịch Việt Nam, sau đó sẽ đến Lào. Tôi vừa mới đến Hòa Bình vào ngày 4/12.
Chúng tôi rất hào hứng. Sáng nay chúng tôi vừa mới bắt đầu tour thăm quan nên còn rất nhiều thứ chúng tôi muốn được nhìn thấy. Nơi này rất tuyệt vời. Điều chúng tôi thích nhất là nơi này không quá nhiều du khách, có nhiều điểm thăm quan nhưng không quá đông đúc, không khí thư giãn, dễ chịu. Chúng tôi thích đi qua các ngôi làng. Ở đây chúng tôi được ăn những món ăn ngon nhất từ đầu chuyến đi tới giờ. Văn hóa ở đây đặc biệt, khác hẳn với quê hương chúng tôi. Chúng tôi rất hào hứng được xem, được tìm hiểu. Ai cũng tươi cười, sẵn sàng đón tiếp, giúp đỡ nếu bạn cần hỗ trợ. Tôi yêu Việt Nam, đây là một đất nước đặc biệt".
Cùng một nhóm bạn năm người tới Nà Phòn, bà F.Martine, du khách đến từ nước Pháp rất hào hứng, thích thú khi được hòa nhịp cùng bà con dân tộc Thái ở xóm Nhót trong điệu nhảy sạp sôi động, thân thiện và được tìm hiểu về văn hóa keeng loóng. Khi xem keeng loóng, bà và các bạn đã quay phim, chụp ảnh lưu niệm và chia sẻ với bạn bè của mình tại Pháp qua mạng xã hội. Bà F.Martine cho biết, bà rất ngạc nhiên với khả năng sáng tạo đặc biệt của người Thái. Bởi chỉ từ những cây tre, cây gậy và một gốc gỗ to, người Thái có thể múa nhiều điệu khác nhau, tạo nên những âm thanh sôi động, thu hút người xem.
Làm du lịch từ bản sắc dân tộc
Theo một đơn vị tổ chức tour đến Mai Châu cho biết: Bản Nà Phòn là một xã du lịch thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình được biết đến với văn hóa dân tộc đậm nét. Dù diện tích khá nhỏ nhưng du khách lại yêu thích địa điểm này bởi sự yên bình, bởi cảnh quan tĩnh lặng và bởi sự thân thiện của người dân tộc Thái nơi đây.
Bà Hà Thị Nhất (62 tuổi, dân tộc Thái) dệt khăn đơn sắc cho du khách tham quan, trải nghiệm. |
Tháng 5, tháng 6, bản Nà Phòn đẹp thu hút du khách bằng những cánh đồng lúa chín vàng, khắp bản làng thơm hương lúa mới. Các homestay được dựng sát các cánh đồng giúp du khách mở cửa phòng là có thể ngắm nhìn, thưởng hương lúa chín. Tháng 9, tháng 10, không gian dịu mát, phù hợp cho dân du lịch săn mây. Tháng 11, tháng 12, khi thời tiết se lạnh, thời điểm mây mù bao phủ lại là khoảng thời gian cho những ai muốn ngắm những bông đào, bông mai nở sớm...
Bản Nà Phòn cách Hà Nội 140km và Hòa Bình 60km về hướng Tây Bắc, có đường giao thông thuận tiện. Du khách có thể tới bản bằng ô tô hoặc xe máy. Bản Nà Phòn chủ yếu là người dân tộc Thái nên du khách dễ dàng được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng. Món ăn của dân tộc Thái thể hiện sự kết hợp hài hoà, sự giao lưu, hoà quyện cùng linh khí của núi, của sông, của rừng, của những tấm lòng chân thành giản dị. Nổi tiếng nhất tại đây là món lợn mán, xôi nương, cá suối nướng.
Bà Hà Thị Nhất, thành viên đội văn nghệ xóm Nhót cho biết: "Khách du lịch rất thích khi được múa xòe, múa sạp, đánh keeng loóng cùng đội văn nghệ, ai cũng vui, hào hứng. Bản sắc văn hóa của người Thái có sẵn rồi, mình góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc của đồng bào mình thôi.”
Trong ánh nắng vừa lên buổi sớm, bà Hà Thị Nhất (62 tuổi, dân tộc Thái) đang ngồi dệt vải. Bà không còn nhớ gia đình bà bao đời làm nghề truyền thống này. Đến đời bà, nghề dệt vải lại được truyền lại cho ba người con gái. Bà tâm sự, những tấm vải đơn sắc thì chỉ cần một ngày là có thể hoàn thành tấm vải dài 1,6 m, rộng 50cm. Nhưng đối với những tấm vải nhiều họa tiết, có khi phải mất 2,3 ngày mới hoàn thành. Khi Nà Phòn phát triển du lịch, vải dệt của các hộ gia đình không chỉ làm khăn, quần áo mà được thiết kế theo sở thích khách hàng, trở thành sản phẩm mua bán, phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Hà Văn Ngân, Chủ tịch xã Nà Phòn, những năm qua, công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng đã được xã Nà Phòn khai thác để phát triển du lịch, từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca dân vũ, trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm thổ cẩm truyền thống… từ đó trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Đà Nẵng là điểm đến yêu thích nhà đầu tư, du khách Malaysia Đây là nhận định của tân Tổng lãnh sự Malaysia tại thành phố Hồ Chí Minh Firdauz Bin Othman nhân chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng vào sáng ngày 4/12. |
Việt Nam lập kỷ lục đón nhiều khách quốc tế trong tháng 11/2023 Theo số liệu được Cục Du lịch Quốc gia công bố mới đây, hơn 1,23 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 11, tăng 11% so với tháng 10, lập kỷ lục là tháng đón nhiều khách nhất từ đầu năm đến nay... |