Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Cần xử lý nghiêm túc tình trạng lười tiếp công dân
Dưới đây là cuộc trao đổi của PV báo Thời đại và nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông:
Chiều 31/10, tại phiên chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã đưa ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng "lười" tiếp công dân. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Vấn đề tiếp công dân là một việc rất hệ trọng. Khi người dân có nhu cầu được gặp cơ quan nhà nước để trình bày tâm tư, nguyện vọng hay một vấn đề gì đó thì đại diện cho cơ quan nhà nước phải xem xét, trả lời và giải quyết theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một cơ hội cho lãnh đạo được gần dân, hiểu dân hơn và giải quyết được các tâm tư, nguyện vọng của dân.
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông.
Theo ông vấn đề tiếp công dân sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an sinh xã hội?
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Thông qua vấn đề tiếp công dân đúng quy định cũng góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương, cơ sở. Bởi, khi vấn đề tiếp công dân được làm một cách nghiêm túc thì người dân sẽ cảm thấy hài lòng, không đi khiếu kiện vượt cấp, không có những thái độ manh động khác. Vấn đề này được làm tốt và đúng quy định thì sẽ góp phần ổn định xã hội, tạo mối quan hệ tốt giữa người dân với các cấp lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong thời gian qua mặc dù pháp luật đã quy định về vai trò người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải tiếp công dân nhưng vẫn có nhiều nơi còn chưa thực hiện tốt. Thậm chí, có những lãnh đạo tuy người dân tha thiết để được gặp nhưng lại đùn đẩy cho cấp phó hay cho cán bộ, chuyên viên tiếp nên người dân cảm thấy rất bức xúc. Tình trạng lãnh đạo lười tiếp công dân đang làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng và Nhà nước...
Theo ông, muốn khắc phục bây giờ cần làm những việc gì?
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Thứ nhất, bây giờ muốn khắc phục được tình trạng này thì quan trọng là phải có chế tài đối với những cá nhân không thực hiện nghiêm vấn đề tiếp công dân. Nếu muốn chế tài này được thực hiện nghiêm, trước hết các cơ quan có trách nhiệm phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và giám sát.
Thứ hai, nếu những cá nhân nào không chấp hành thì cần có một cách xử lý cụ thể; không thể nể nang, bao che.
Thứ ba, nếu đến ngày tiếp công dân có công việc đột xuất thì phải có lịch cụ thể để tiếp lại chứ không được để cấp dưới hay chuyên viên tiếp thay.
Trân trọng cảm ơn ông !
Xuân Nguyễn
thì đây là không chỉ là một nhiệm vụ cần phải làm mà còn làm cho dân tin tưởng đến người lãnh đạo.