Nguy cơ trẻ bị thủng vách ngăn mũi
Bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ cho hay, từ cuối tháng 8 tới nay, bệnh viện đã cấp cứu trên 20 trẻ bị dị vật mũi là pin đồ chơi, có ngày cấp cứu liên tục 2 – 3 trường hợp, thường gặp ở trẻ nhỏ 3 – 4 tuổi.
Trẻ nhét pin vào mũi rất nguy hiểm
Mới đây, trường hợp bé T.K.C., 30 tháng tuổi (ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng cục pin lọt sâu vào bên trong. Tuy nhiên, do thời gian ở lâu trong mũi nên acid ở pin làm phỏng niêm mạc mũi bé.
Trước đó, bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng từng cấp cứu một trường hợp hy hữu: trong lúc chơi ôtô, bé Bin táy máy cạy cục pin nhét vào mũi. Khi bố mẹ lôi được cục pin ra khỏi mũi của con thì bé Bin đã bị chì trong cục pin ăn hổng hết xoang mũi. Mặc dù đã được người nhà rút pin ra khỏi mũi, lau rửa mặt nhưng sau đó, Bin có triệu chứng chảy rất nhiều nước mũi, sốt, rối loạn tiêu hoá, nôn. Bin được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ kết luận Bin đã bị hoại tử khoang mũi do bị nhiễm độc chì.
Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng đã tiếp nhận trường hợp bé Nguyễn Chí Tú, (SN 2002, ngụ tại Ninh Phước, Ninh Thuận) trong tình trạng cụt đốt một số ngón tay, rách giác mạc, vỡ nhãn cầu, dị vật nội nhãn và đục thủy tinh thể mắt phải do pin điều khiển ô tô đồ chơi phát nổ.
Bé Tú bị thương nặng do pin điều khiển đồ chơi phát nổ hôm 22/9. (Ảnh: Giadinh.net)
Theo bác sĩ Nhân, các loại dị vật trẻ nhỏ nhét vào mũi hay nuốt đều nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu pin đồ chơi nhét vào mũi và để càng lâu (từ 3 tiếng trở lên) chất acid sẽ tiết ra, gây cháy phỏng niêm mạc mũi xoang, niêm mạc cuống mũi, vách ngăn... thậm chí có trường hợp thủng vách ngăn mũi.
Nặng nề hơn là để lại di chứng do phỏng gây phù nề niêm mạc mũi, dẫn đến viêm xoang, để lại sẹo dính hốc mũi gây nghẹt mũi khó thở kéo dài. Vì vậy cần tránh cho trẻ nhỏ chơi các loại đồ chơi có pin loại này.
Bảo An
Tổng hợp