Nguồn vốn chính sách - "bệ đỡ" cho người dân thoát nghèo
Mô hình giúp người dân thoát nghèo của World Vision Việt Nam Thông qua mô hình thoát nghèo cùng cực, người hưởng lợi được cung cấp những nguồn lực cơ bản, kiến thức về tài chính, đào tạo về kỹ thuật, kỹ năng sống và hỗ trợ về mặt xã hội để thoát nghèo bền vững. |
Những chính sách dành cho người cao tuổi Được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế, được ưu tiên trong khám chữa bệnh, được quan tâm chăm sóc tại nơi làm việc, được giảm giá vé dịch vụ, được chúc thọ, mừng thọ... đó là một số những chính sách nổi bật dành cho người cao tuổi. |
Từ nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học…
Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn là "cầu nối" giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với người dân khi triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Ảnh: TTXVN phát |
"Bệ đỡ" cho người dân thoát nghèo
20 năm đồng hành cùng người nghèo, đồng vốn chính sách đã giúp gần 635.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Cần Thơ được vay vốn, góp phần giúp cho trên 85.900 hộ thoát nghèo, cận nghèo; giúp cho 60.550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đầu tư vào nhiều mô hình làm ăn hiệu quả và góp phần nhân rộng 17 mô hình giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Đáng chú ý, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những chính sách hỗ trợ vốn được Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ kịp thời triển khai đã giúp 28 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 41.745 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Là chủ của ba cơ sở may gia công ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, sau đại dịch COVID-19, gặp nhiều khó khăn, vợ chồng anh Phan Tấn Lộc đã được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động với số tiền 160 triệu đồng để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục duy trì cơ sở may.
Với anh Lộc, đây không phải là lần đầu được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ. Bởi trước đó, anh đi lên từ hộ nghèo.
Chia sẻ về chặng đường “làm giàu” từ thất bại, khó khăn, anh Phan Tấn Lộc cho biết để các cơ sở may được phát triển ổn định như ngày nay, ngoài việc được chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ xã quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất còn nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi đã giúp cho gia đình vượt qua những chặng đường khó khăn trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Sau lần đầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi ếch nhưng thất bại và phải tha hương đi may thuê, đến năm 2015, vợ chồng anh Lộc, quay về quê hương mạnh dạn đề xuất UBND xã Xuân Thắng mở lớp may công nghiệp và tổ may của anh sẽ giải quyết việc làm cho các lao động sau khi học xong.
Với đề xuất của anh Lộc, ngoài sự hỗ trợ cho mượn máy may, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thắng giới thiệu cho anh Lộc vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đồng vốn đã tháo gỡ một phần khó khăn để tổ may hoạt động thuận lợi, gia đình anh Lộc có được nguồn thu nhập ổn định, nhờ đó thoát nghèo vào cuối năm 2016.
Từ bước đệm này, vợ chồng anh Lộc mở cơ sở may gia công, mua thêm máy móc, sửa nhà xưởng, nhằm phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho người dân địa phương. Đến nay, không chỉ trả hết nợ Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình anh Lộc còn tạo việc làm ổn định cho 100 công nhân tại 3 cơ sở may gia công do anh Lộc làm chủ, giúp người lao động có thu bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Cũng từ hộ nghèo ở nhá lá, không có đất sản xuất, chị Sơn Thị Lang, Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ (ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ) cho biết không nghĩ có lúc gia đình sẽ thoát nghèo, có tiền cho con học đại học và còn hỗ trợ các chị em phụ nữ ở địa phương (đa phần người Khmer) có công việc làm (đan lục bình) như hiện nay.
Chị Sơn Thị Lang chia sẻ, đó là nhờ những chương trình tín dụng kịp thời từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã phần nào hỗ trợ cho gia đình. Nhờ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo mà chị có được vốn để tiếp cận nghề đan lục bình đem lại thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo và tạo việc làm cho hơn 70 chị em trong hợp tác xã, các lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhờ chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn mà gia đình chị và nhiều hộ nghèo khác ở địa phương có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, có nguồn nước sạch để sử dụng; nhờ chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà con chị học tiếp lên đại học.
Tập trung nguồn lực tài chính
Ông Dương Văn Hiền (trái), xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ được vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách để làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TTXVN phát |
Từ hai chương trình tín dụng ban đầu (cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn), trải qua 20 năm thực hiện, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt trên 9.007 tỷ đồng, với gần 634.500 lượt khách hàng được vay vốn.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động vốn và tập trung nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, nguồn vốn địa phương tăng nhanh từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh thành phố Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết, cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng. Điều này, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đến nay, nguồn vốn ngân sách thành phố và các quận, huyện ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng đặc thù của địa phương là 439,076 tỷ đồng, tăng 400,126 tỷ đồng (tăng trên 10 lần) so với năm 2014, nâng tổng nguồn vốn đến cuối tháng 8 gần 3.500 tỷ đồng, tăng 71,35 lần so với khi mới thành lập.
Bên cạnh đó, với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương.