Người Việt tại Rumani: Cộng đồng nhỏ, ý chí lớn
Sinh viên Việt Nam tại Hungary thập niên 70. Ảnh: Hội Cựu sinh viên Việt Nam tại Rumani. |
Người Việt tại Rumani: Ngày đầu trên đất khách
Cộng đồng người Việt trên đất Rumani được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, bắt đầu từ những du học sinh được nhận học bổng của chính phủ nước bạn.
Thấu hiểu những hi sinh gian khổ của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Rumani đã mở rộng vòng tay đón những thanh niên Việt Nam ưu tú sang học tập. Vào năm 1970, chính phủ Rumani đã cấp học bổng cho hơn một ngàn sinh viên Việt Nam, tỉ lệ lớn nhất trong khối các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ.
Để bù đắp lại những mất mát, đau thương Việt Nam phải gánh chịu, cũng như cảm phục trước nghị lực phi thường của sinh viên Việt Nam, người Rumani, từ những quan chức trong Bộ Giáo dục, giảng viên Đại học cho đến những người dân đều coi lưu học sinh Việt nam như con cháu thân thiết trong gia đình.
Không phụ sự quan tâm, chăm lo của người Rumani, những thanh niên Việt Nam cần cù, chăm chỉ đã giành nhiều thành tích học tập xuất sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp trên đất khách.
Những cựu du học sinh tới Rumani năm đó, sau này, có người đã trở về nước đóng góp tri thức trau dồi được từ nước bạn vào quá trình phát triển quê hương, cũng có những người chọn lưu lại, định cư, coi Rumani là mái nhà thân thương thứ hai.
Có bao nhiêu người Việt tại Rumani?
Sau khi ổn định cuộc sống trên miền đất mới, nhiều người Việt đã đón người nhà sang định cư tại Rumani, một số gia đình có tới gần 20 người.
Ngày nay, tại Rumani có khoảng 600 người Việt đang sinh sống. Có nền tảng xuất thân từ tầng lớp trí thức, 100% thành viên trong cộng đồng đều có thẻ cư trú hợp pháp. Cuộc sống của bà con ổn định, được bảo vệ trước pháp luật và hưởng những quyền, lợi ích hợp pháp.
Hơn một nửa cộng đồng người Việt đang định cư tại thủ đô Bucharest, đa số làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, dịch vụ.
Trung tâm thương mại Dragonul Rosu (Rồng Đỏ) nằm cách trung tâm thủ đô Bucharest hơn 10 km, là nơi tập trung nhiều cửa hàng của kiều bào với các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em.
Hoạt động từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều từ thứ Hai đến thứ Bảy, Trung tâm Rồng Đỏ là nơi bà con kiều bào rất yên tâm làm ăn buôn bán, vì tình hình an ninh luôn được đảm bảo, không có bóng dáng các tệ nạn như nghiện hút, lừa đảo, trộm cắp, đòi nợ thuê,...Niềm tin giữa người mua và người bán được xây dựng vô cùng vững chắc và tự nguyện.
Không chỉ thành công trong nghề kinh doanh, sau hàng thập kỷ nỗ lực không ngừng, người Việt còn trưởng thành trong nhiều ngành nghề. Nhiều người đã trở thành bác sỹ, kỹ sư, luật sư, giáo viên, hoặc tích lũy được kinh nghiệm kinh doanh, mạnh dạn mở ra những ngành mới như vi tính, bất động sản, xây dựng, làm móng hay nhà hàng.
Đặc biệt, với truyền thống hiếu học lâu đời, người Việt dù làm việc trong lĩnh vực nào cũng rất quan tâm đầu tư cho con cái ăn học và chăm lo giáo dục cho thế hệ sau bằng tất cả khả năng của mình.
Mái nhà chung ấm áp
Ngày 11/9/1993 là một dấu mốc đáng nhớ đối với kiều bào tại Rumani. Tại trụ sở Đại sứ quán Việt nam số 15 Austrului, Q.3, Bucarest, Hội người Việt tại Rumani đã chính thức được thành lập với 15 thành viên.
26 năm qua, Hội đã trở thành cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam trên miền đất Đông Âu này, và đặc biệt, là mái nhà ấm áp của người Việt, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trên đất khách.
Tết Kỉ Hợi ấm áp của người Việt tại Rumani (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Rumani) |
Nói đến cộng đồng người Việt Nam tại Rumani, là nói đến những hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao sôi nổi như Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9, đêm nhạc Kỷ niệm sinh nhật Bác, đêm ca nhạc Thế giới tuổi thơ, đêm hội Áo dài, giao lưu, gặp mặt giữa kiều bào Bucaret với hơn 500 công nhân Việt Nam làm việc cho nhà máy đóng tàu Mangalia,...
Cùng với sự phát triển của cộng đồng, đã có thêm những đoàn thể mới được thành lập, mang đến những sắc màu tươi mới trong đời sống kiều bào, điển hình là Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ Việt Nam tại Rumani. CLB đã và đang góp phần vào sự phát triển tiến bộ, bình đẳng của phái đẹp Việt trên đất bạn, những người phụ nữ xinh đẹp, tháo vát và năng động trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Bên cạnh đó, một điểm sáng trong hoạt động cộng đồng tại Rumani là việc duy trì, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Không chỉ nghĩ cho mình, kiều bào tại Rumani đã liên tục có những hoạt động từ thiện như quyên góp tiền ủng hộ nhân dân Nhật bản khắc phục hậu quả động đất và sóng thần, gửi tiền trợ giúp nhân dân Rumani ở các vùng bị bão lụt.
Kiều bào Rumani quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt (Ảnh Thành Nam) |
Chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được, trong Đại hội người Việt Nam tại Rumani lần thứ 17 diễn ra vào đầu tháng Tư, cộng đồng đã đặt ra nhiều kế hoạch để phát triển, trong đó có việc hoàn thiện các tổ chức hội đoàn nhằm thu hút ngày càng nhiều người Việt tham gia, đảm bảo hoạt động phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức, tìm ra hướng kinh doanh mới, mở ra ngành nghề mới, tạo dựng những doanh nghiệp có đẳng cấp, hoạt động có bài bản, có chiến lược.
Đặc biệt, cộng đồng sẽ tiếp tục chú trọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ, đặt mục tiêu phấn đấu để 100% con em vào Đại học, hòa nhập, và có vị trí xứng đáng trong xã hội bản địa, thậm chí vươn cao, vươn xa tới các cường quốc, nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn.
Chào mừng 100 năm Quốc khánh Rumani-cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước TĐO-Sáng 1/12, lễ chào mừng 100 năm Quốc khánh Rumani đã được Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị (HUFO) và Hội Hữu nghị Việt ... |
Chào mừng 100 năm Quốc khánh Rumani-cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước TĐO-Sáng 1/12, lễ chào mừng 100 năm Quốc khánh Rumani đã được Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị (HUFO) và Hội Hữu nghị Việt ... |
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Rumani Bên cạnh những thuận lợi của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, sự tham gia của Rumani và Việt Nam vào ... |