Người thành phố gặp phiền toái ít ngờ khi làm nhà vườn ngoại ô
Anh Lê Thành Nam (40 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) loay hoay kéo ống nước tưới cho khu vườn rộng hơn 500 m2, bỗng chú chó tên Mướp chạy loạn, nhỏ dãi, cắn xé những chậu hoa, những luống rau xà lách căng mọng. Anh Nam cười xòa: "Đấy, ở nhà vườn cũng có nhiều rủi ro phải tập chấp nhận. Chó bị rắn cắn đấy, biểu hiện như vậy là còn sống, còn những con khác bị cắn lập tức chết luôn. Tôi ở đây bắt rắn suốt nhưng tối ngủ cũng bị ám ảnh".
Chuyển từ trung tâm Hà Nội về nhà vườn cách 40 km được 3 tháng nay, anh Nam đã chóng quen với hệ sinh thái xung quanh. Rắn, ếch, nhái, ruồi, muỗi, chuột... như bao vây khu nhà của anh 24/7. Anh đã đầu tư hơn 20 triệu cho hệ thống lưới cửa, nhưng ban đêm cũng phải đóng kín mít vì không ít lần chuột đột nhập, tạo điều kiện cho nhiều loài khác vào theo.
Bù lại, anh có thể dạy con mọi thứ về thiên nhiên, cách chiết một cành hoa hay đơn giản là câu cá từ dưới ao lên rồi nướng trui ngay tại chỗ. Cả gia đình anh từ ngày về đây trò chuyện với nhau nhiều hơn, thậm chí còn không xem tivi.
Để hạn chế được côn trùng, người xây nhà vườn phải chuẩn bị nhiều giải pháp có thể mất ít nhất vài chục triệu đồng. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Theo kiến trúc sư Trần Thanh Phong (Hà Nội), nhà vườn là kiểu nhà hiện đại được xây dựng trong vùng làng quê, nông thôn. "Khi nhắc đến nhà vườn, người ta hiểu là một người sống ở thành phố về vùng ven để làm nhà, có vườn tược, không gian, thông thường sẽ xây theo bề ngang chứ không xây nhiều tầng. Mô hình này thịnh hành khoảng 10 năm về trước, giờ nhiều người đang rao bán lại còn khó", anh chia sẻ.
Đất đai khô cằn, côn trùng, rắn rết, khoảng cách quá xa, lỗ... là những yếu tố thường gặp cản trở hoặc làm nhạt bớt thú vui nhà vườn của nhiều người.
Pha cốc cà phê ngồi nhâm nhi giữa thảm cỏ, bà Chu Thị Thanh Tâm (56 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) nhìn về phía mặt trời lặn giữa đỉnh núi Tản Viên. Khu vườn có diện tích 4.000 m2 với đủ loại cây như mít, ngô, hoa hồng... hầu như một tay bà chăm sóc. Khu vườn này cũng chính là lý do bà quyết định không ở thành phố nữa.
"Hồi mới tới đây năm 2014, xung quanh vắng hoe, lâu lâu có mấy con bò lững thững ngang qua. Vì còn công việc, có khi 1-2 tháng mình không về nhà này nên sinh ẩm mốc, mỗi lần về dọn mệt nghỉ", bà kể, nói đoạn lại giơ tay đập muỗi, bốn bề đồi núi nghe rõ tiếng vo ve.
Vườn nhiều rau, tiếc của, khi đó nhiều lần bà Tâm phải thuê taxi đem rau xuống phố hơn 60 km để cho người quen và bán bớt. Đường đầy bùn lầy, bà còn tự bỏ tiền túi rồi vận động thêm từ hàng xóm để làm đường bê tông. Sau mấy năm có mảnh vườn vùng ven, bà thích ở đây hơn nội thành Hà Nội nên quyết định bán nhà phố, vay thêm tiền để về đây mở rộng vườn.
Một hai năm gần đây đã có nhiều người đến làm nhà vườn xung quanh, nhưng những vị hàng xóm này chỉ xuất hiện vào thứ 7, chủ nhật. Cách nhau cái hàng rào, nhưng có việc gì cũng phải gọi điện thoại, vì từ hàng rào vào đến cửa nhà cũng cách nhau vài trăm mét.
Mong muốn ban đầu chỉ là có vườn rau sạch để ăn, sau 3 năm, bà Tâm đã bán nhà phố để đầu tư hết cho nhà vườn. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Nhà vườn của anh Lê Ngọc Dũng (50 tuổi, Lương Sơn, Hòa Bình) cách Hà Nội 50 km, cuối tuần nào anh cũng về. Để mọi thứ vẫn được chăm sóc bảo vệ cẩn thận khi không ở, anh phải thuê 2 người làm vườn, tiền công tổng cộng 5 triệu mỗi tháng.
Anh mua mảnh đất này vào năm 2009, vì muốn có chỗ về mỗi cuối tuần để có giấc ngủ ngon. Trước năm 2015, khu vực này liên tục thiếu nước, nắng nhiều khiến rau còi cọc, quả lép. Cuối cùng anh phải tốn thêm 100 triệu để cải tạo đất, xây thêm bể chứa nước lớn để trữ nước mưa, rồi khoan thêm giếng... Đầu tư gần 10 tỷ cho khu vườn một hecta, nhưng giờ công trình của anh được định giá chưa tới 9 tỷ đồng.
"Nông dân xung quanh xịt thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trọng nên đôi khi không khí ở đây cũng không được trong lành. Tuy nhiên, phần lớn thời gian ở đây đều khiến tâm trạng tôi tốt lên, stress giảm đi nhiều", anh Dũng chia sẻ.
Xây nhà vườn năm 2017, cách trung tâm thủ đô chưa tới 30 km, chị Vũ Thị Hoa (38 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, "ai có cha mẹ già, con nhỏ mới thấm thía việc gần trường học, bệnh viện quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, vì không có điều kiện nên tôi mới mua nhà ở ngoại thành. Cầm 3 tỷ mua được nhà rộng rãi là điều xa vời ở thành phố".
Mỗi ngày, chị phải đưa đón con đi học, cả đi cả về khoảng 30 km, băng qua một vạt rừng nhỏ đôi khi khiến chị lạnh sống lưng. Xung quanh cây cối nhiều, nhưng nhà chị cũng phải bật điều hòa thường xuyên ngày nắng nóng vì sợ bố mẹ không chịu được. Xây xong nhà, chị cảm thấy bất an, lo trả nợ với đồng lương văn phòng và đúc kết rằng "muốn sống giản dị cũng phải có tiền".
Khảo sát năm 2018 với hơn 100 nhà vườn ở khu vực miền Bắc, kiến trúc sư Nguyễn Đình Hưng (Hà Nội) đúc kết, với 98% người đầu tư cá nhân thì nhà vườn đúng nghĩa gánh nặng, không hơn. Đơn cử như việc bỏ nhiều tỷ đồng để làm nhà vườn nhưng khi bán lại giá rẻ vẫn không có người mua.
"Khác với nhà trong phố, ở vùng ven, địa chất sẽ có nhiều vấn đề hơn bởi những tàn dư của lịch sử và địa lý nên phải tính kỹ đường nước, hướng gió, phong thủy... Sốt sắng làm sẽ dễ dẫn tới việc hối hận. Nếu không có nhu cầu ở 2-3 tháng mỗi năm thì nên bỏ ý định làm nhà vườn", anh Hưng nói.
Chuyên gia bất động sản Dương Thanh Lâm (Hà Nội) cũng cho biết, "thực tế, có rất nhiều nhà vườn đã đầu tư lớn rồi để hoang. Để duy trì, hàng tháng có khi họ phải mất tối thiểu 10 triệu đồng. Trung bình, cứ 10 người mua nhà vườn lại có đến 5-6 gia chủ phải nhờ tôi bán lại chỉ sau một năm, chỉ tính riêng Hà Nội".
Mô hình làm homestay đang được nhiều người làm nhà vườn hướng đến, vừa tạo ra thu nhập, vừa khiến không gian bớt hoang vắng. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Dù gặp nhiều bất lợi, chị Hoa vẫn không nản, quyết định rủ thêm người cùng đầu tư, cải tạo không gian để thành địa điểm vui chơi, nghỉ dưỡng. Sau một năm đi vào hoạt động, hàng tháng có hàng chục khách hàng đến để tổ chức sự kiện và dã ngoại, mang lại thu nhập.
Con trai lớp 5 của chị đã bớt những buổi học thêm và chuyển trường về gần nhà. "Có thể về vùng ven, nông thôn, trẻ sẽ gặp sóng gió ở môi trường lạ, nhưng đây là yếu tố quan trọng để khiến chúng mạnh mẽ, cứng cáp", chị Hoa nói.
Cũng như chị Hoa, bà Tâm quyết định vay thêm tiền để đầu tư cho không gian nhà vườn. Bà xây hầm rượu, nhập rượu từ nước ngoài về rồi phân phối, rồi xây cả quầy bar phục vụ. Nhiều người đến để học hỏi cách làm nhà vườn rồi ở lại vui chơi, cắm trại, trả phí. Khu vườn tưởng chừng chỉ để trồng rau lại thành điểm hẹn cho người thành phố, bà cũng có người để chuyện trò.
Còn anh Dũng, buổi sáng đem rổ ra vườn vặt ít rau, hái ít trái cây đem vào nhà tự làm bữa sáng, không gian thoang thoảng hương hoa cau hoa ngọc lan, chim hót ríu rít... "Nếu không có cái nhà vườn, chắc cả đời tôi không có cái gì gọi là tận hưởng. Mỗi tuần có ít nhất 48 giờ hít không khí sạch cũng đáng đồng tiền", anh Dũng cười nói.
Xem thêm:
40 năm sống trên núi, cặp vợ chồng người Nhật nhận ra ý nghĩa cuộc đời 40 năm trước, cặp vợ chồng nghệ sỹ người Nhật quyết định rời bỏ Tokyo để lên núi sống một cuộc đời bình an, tự ... |
"Vườn rau quên hết muộn phiền" của cô gái trẻ ở Sài Gòn Vườn rau được trồng trên sân thượng với diện tích không quá lớn, nhưng lại là nơi bình yên, xua tan mọi muộn phiền của ... |
Mong bố mẹ có tuổi già thanh bình, chàng trai trẻ biến sân thượng nhỏ thành vườn hồng đẹp như mơ Anh Hưng tự tay thiết kế sân thượng thành khu vườn trồng đủ loại hồng ngoại. Ước mong bố mẹ được hưởng tuổi già vui ... |