Người mắc Covid-19 có thể nghỉ làm tối đa 75 ngày
Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã nêu rõ điều kiện hưởng chế độ ốm đau:
"Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế."
Đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau
Về thời gian hưởng chế độ ốm đau, Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội nêu rõ, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể:
Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trường hợp người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Ngoài ra, sau khi kết thúc thời gian nghỉ chế độ ốm đau và quay trở lại làm việc thì trong vòng 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa hồi phục, người lao động còn được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Căn cứ Điều 29 Luật BHXH, thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 05 ngày/năm.
Như vậy, F0 trong trường hợp này có thể nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa lên đến 75 ngày.
Người lao động không may mắc Covid-19 có thể xin nghỉ theo 03 trường hợp sau: Nghỉ hưởng chế độ ốm đau, nghỉ phép hằng năm, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương. |
Thời gian nghỉ phép hàng năm
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được giải quyết số ngày phép như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, Điều 114 Luật Lao động cũng quy định ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc:
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ Luật Lao động được tăng thêm tương ứng 1 ngày.
Thời gian thỏa thuận nghỉ không lương
Ngoài hai trường hợp đã nêu, người lao động mắc Covid-19 còn có thể thỏa thuận xin nghỉ không hưởng lương với người sử dụng lao động theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019.
Pháp luật không giới hạn thời gian nghỉ tối đa nên các bên có thể tự thỏa thuận với nhau nhưng buộc phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Từ những phân tích trên, có thể thấy số ngày cụ thể mà F0 được nghỉ làm để điều trị, phục hồi sức khỏe do nhiễm Covid-19 sẽ tùy thuộc căn cứ mà người lao động lựa chọn. |