Người lao động giản đơn không có hướng đi
Có thể thấy gì qua thống kê mới nhất về cuộc sống của người lao động? Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ 16,1% người lao động có tích lũy. Thu nhập không đủ chi tiêu, người lao động phải làm thêm để cải thiện cuộc sống.
Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo khảo sát về việc làm, tiền lương và đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp do Viện Công nhân và công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, do mức lương tối thiểu chung trước đây quá thấp nên lương tối thiểu vùng áp dụng trong các doanh nghiệp những năm gần đây tăng liên tục với tỷ lệ tương đối cao, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Qua khảo sát thực tế hơn 800 hộ gia đình 4 người gồm hai vợ chồng là công nhân và hai người phụ thuộc, trung bình một tháng các gia đình chi tiêu hết 9,038 triệu đồng, tức là mỗi người lao động nuôi một người thì mức chi tiêu là 4,519 triệu đồng.
Trong khi đó thu nhập trung bình của người lao động nhóm này là 4,716 triệu đồng.
Hầu hết thu nhập của người lao động trang trải cho các chi dùng hàng ngày như ăn, ở, điện, nước, chi phí học tập của con cái…
Với tình hình thu nhập và chi tiêu đó, dù rất tằn tiện và dè sẻn thì đời sống của người lao động vẫn hết sức khó khăn.
Thu nhập nêu trên ngoài tiền lương cơ bản còn bao gồm tiền làm thêm giờ, phụ cấp chuyên cần, thâm niên, xăng xe… Các khoản này chiếm từ 20 – 25% thu nhập của người lao động tùy từng vùng.
Trước đó, Trung Quốc đã là viễn cảnh cho thân phận của người lao động Việt Nam: không còn lao động giá rẻ nữa.
Hậu quả là cột đi tìm trâu. Các nhà máy được dời đi đến những nơi thâm dụng lao động với mức lương không đủ chi tiêu.
Một trong những điểm đến lý tưởng là Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ.
Với mức lương không đủ chi tiêu như hiện nay, với bóng ma tăng đủ thứ thuế trong tương lai, với mức thải loại lao động ở tuổi ngoài ba mươi, họ sẽ sống như thế nào? Liệu doanh nghiệp có tăng thêm lương?
Có hai điều đáng sợ nhất cho viễn cảnh người lao động giản đơn. Một là những nhà máy tiếp tục cuộc di cư cột đi tìm trâu. Giải pháp này tốn kém và ít hứa hẹn.
Hai là giới chủ có tầm nhìn xa, sẽ tự động hóa các khâu giản đơn, các dây chuyền giản đơn trong các ngành như dệt may, điện, điện tử và lắp ráp xe hơi, xe gắn máy, nhằm tinh giản số nhân công…
Khởi Thức