Người lao động đi làm việc ở nước ngoài yên tâm khi tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Vừa trở về sau 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Trung Hiếu (ở Hà Nam) đã đến tham dự phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội nhằm tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của bản thân.
Trước đó, trong thời gian đi lao động ở Hàn Quốc, anh Hiếu và các lao động khác đều được phổ biến về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và quyết định đóng góp vào Quỹ này. Ban đầu chưa hình dung được vai trò của Quỹ, song đến khi người bạn làm cùng công ty của anh Hiếu bị tai nạn lao động, bị đứt lìa mất tay và phải về nước, anh và các đồng nghiệp của mình mới thấy rõ ý nghĩa của Quỹ.
Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Theo lời kể của anh Hiếu, khi đó, bạn anh được chủ doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, được Bảo hiểm xã hội Hàn Quốc chi trả, bồi thường. Đặc biệt, khi về nước, bạn anh tiếp tục được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ một khoản tiền để trị bệnh.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Toản (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, trước đây khi sang Hàn Quốc anh cùng các lao động cũng được Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tuyên truyền về chính sách pháp luật nói chung của nước bạn và của Việt Nam nói chung, trong đó có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nếu không may gặp rủi ro.
Trong khi đó, đang học tiếng để đi làm việc tại Nhật Bản, anh Nguyễn Minh Đặng chia sẻ mới được phổ biến về quy định, chính sách của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước dù Quỹ đã có từ lâu. Theo anh, đa phần người lao động không chú ý đến quyền lợi của mình được hưởng khi tham gia Quỹ, chỉ có một số ít người lao động biết đến Quỹ này khi xảy ra rủi ro, tranh chấp.
"Người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ cần đóng góp vào Quỹ số tiền 100.000 đồng/người/hợp đồng, song nếu không may gặp rủi ro lại có thể được nhận số tiền lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi phải trở về nước trước hạn, người lao động còn được hỗ trợ hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống. Điều này khiến chúng tôi rất yên tâm khi trở về nước", anh Nguyễn Minh Đặng nói.
Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khi tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 10-30 triệu đồng/trường hợp.
Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ thân nhân của người lao động trong trường hợp bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài với mức 40 triệu đồng/trường hợp. |
Trường hợp người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác được hỗ trợ từ 7- 20 triệu đồng/trường hợp.
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người lao động được hỗ trợ 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí, tối đa 50 triệu đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc. Quỹ hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở.
Quỹ cũng hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài với mức 40 triệu đồng/trường hợp.
Người lao động phải về nước trước hạn trong các trường hợp trên mà có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.