Người giữ “hồn” chiêng dân tộc ở xã Đạ M’Rông
Dân làng Mit Jep có nghề "may áo" cho chiêng
“Giữ gìn, bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những cách giữ gìn hồn thiêng dân tộc và đây cũng là trách nhiệm của những người con Gia Rai được sinh ra và lớn lên ở làng Mit Jep”, già làng Rơ Châm Hyai (làng Mit Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) khẳng định.
|
Cồng chiêng - nét văn hóa đồng bào các dân tộc Mường xứ Thanh
Cồng chiêng mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Mường ở xứ Thanh. Với người Mường huyện Thạch Thành, cồng chiêng còn là hồn cốt gắn với đời sống.
|
Theo chân cán bộ văn hóa xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông đến nhà già làng Pang Ting Ha Thét đúng lúc ông đang say sưa với công việc lau chùi những chiếc chiêng. Qua quan sát, dù không gian ngôi nhà khá chật hẹp, nhưng chứa nhiều những vật dụng đặc trưng của người đồng bào DTTS như: ché rượu, gùi....
Mở đầu cuộc trò chuyện, già làng Pang Ting Ha Thét nói: “Tôi quý nhất là bộ cồng chiêng 6 chiếc, không biết chúng có từ bao giờ, chỉ biết đây là bộ cồng chiêng do cha ông từ nhiều đời để lại nên tôi phải có trách nhiệm giữ gìn chúng”.
Theo lời ông kể, hàng ngày, ông vẫn đưa bộ chiêng ra lau chùi, đặc biệt là tránh để chúng bị rơi làm ảnh hưởng đến âm thanh của tiếng chiêng. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ông nhất quyết không bán những “báu vật” này mà luôn cất giữ cẩn thận.
Nhấp chén trà nóng, ông Pang Ting chia sẻ thêm, ông hiện giờ là Đội trưởng đội cồng chiêng thôn Liêng K’Rắc II, đội của ông thường biểu diễn ở những dịp lễ do buôn làng và xã, huyện tổ chức, điều ông mong muốn có thêm nhiều thành viên tham gia.
“Giới trẻ bây giờ ham mê tiếng nhạc sôi động, không mấy ai để ý đến âm thanh của chiêng, không biết người dân mình còn giữ được tiếng cồng chiêng ấy đến bao giờ”, già làng buồn bã nói.
Khi được nhã ý muốn thưởng thức vài điệu chiêng, nét mặt Pang Ting Ha Thét liền thay đổi hẳn, dù tuổi đã cao nhưng đôi bàn tay của ông không có cảm giác run, ông đánh cồng chiêng một cách điêu luyện, âm thanh vang vọng với điệu nhạc cuốn hút, khiến lũ trẻ đang chơi ngoài sân cũng phải dừng chơi chạy vào đứng nép bên hông cửa lắng nghe.
Theo già làng Pang Ting Ha Thét, cồng chiêng rất có hồn, muốn điều khiển được chúng, phải hiểu chúng, coi chúng như là người bạn của mình vậy. Có như thế, hồn mình, hồn chiêng mới hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, tuyệt vời. Chính vì vậy, chiều chiều, ông thường đem cồng chiêng ra ngắm nghía, đánh vài điệu chiêng để xua tan sự mệt mỏi sau ngày làm việc vất vả.
Nói về kinh nghiệm đánh cồng chiêng, già làng cho biết, để cồng chiêng hòa âm vào nhau, thì đòi hỏi người chơi phải hết sức tập trung trong lúc diễn tấu, lắng nghe để vào đúng nhịp điệu, cồng chiêng có những cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc trầm, lúc bổng, có điệu vui xen lẫn điệu buồn.
Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, bản sắc của dân tộc mình, ngày ngày già làng Pang Ting Ha Thét nỗ lực cùng với chính quyền địa phương truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho con cháu trong nhà và những người trẻ trong làng.
Không chỉ sở hữu bộ cồng chiêng quý báu, trong nhà già làng Pang Ting Ha Thét còn lưu giữ 8 chiếc chóe rượu cần loại to và 20 cái loại nhỏ, hình trên chóe là biểu tượng nhà rông, nói về vật dụng này, già làng cho hay, theo phong tục của buôn làng đây là sính lễ được nhà gái mang sang khi con trai ông lấy vợ cách đây hơn 40 năm.
Vật dụng được dùng trong những dịp đặc biệt của buôn làng, ông làm rượu cần bỏ vào chóe ủ rồi đến ngày đem ra chung vui, nhưng từ việc làng đến việc của gia đình khác, già vẫn mang ra để dùng coi như của chung góp.
Già làng Pang Ting Ha Thét phấn khởi thông tin, năm nay lễ hội cồng chiêng huyện dự kiến diễn ra trong ngày 10 và 11/11. Bà con trong huyện rất háo hức mong chờ, bởi mỗi dịp như thế này, đồng bào các DTTS trên địa bàn có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở.