Người Gia Rai cầu mưa để mong mùa vụ tốt tươi
Theo tục lệ, trước khi làm lễ cầu mưa, bà con trong làng tổ chức họp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong làng. Nam giới thì lên rừng khai thác nguyên vật liệu để làm cây nêu, hoặc đi phát dọn ngoài bờ suối, nơi tiến hành làm lễ cầu khấn các thần. Còn phụ nữ đi hái các loại rau rừng để chế biến các món ăn truyền thống dùng trong tiệc rượu lễ hội.
Lễ vật dùng trong lễ cầu mưa bao gồm con heo, con gà (một con gà lớn, một con gà nhỏ), ghè rượu.
Già làng tiến hành nghi lễ khấn thần linh tại nhà rông. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Sau khi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, già làng đánh trống tập trung toàn bộ dân làng đến nhà rông để làm lễ khấn thần linh. Tại đây, già làng sẽ cùng các thanh niên to khỏe lấy tiết các con vật hiến sinh (thường là lợn, gà) cùng ghè rượu cần linh thiêng để bắt đầu làm lễ tế. Già làng sẽ lấy phần gan và tiết của con vật hiến tế đặt trên tai ghè rượu cầu khấn các thần linh.
Khấn xong, già làng rót rượu vào bầu nước đã đập bể một nửa, dân làng quây quần bên ghè rượu thiêng và hú to vang dội cả núi rừng. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm.
Chuẩn bị buộc thanh niên vào cây nêu để làm lễ ngoài suối. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Sau khi làm lễ tại nhà Rông xong, dân làng mang cây nêu, con gà con xuống bờ suối và tiến hành dựng câu nêu. Dân làng tập trung xung quanh cây nêu, già làng lấy con gà con và một người thanh niên trai tráng buộc vào cây nêu và đặt bầu rượu thiêng cạnh cây nêu. Lúc này, già làng cùng dân làng tiếp tục cầu khấn các thần linh phù hộ cho dân làng được hạt mưa to để dân làng tiến hành trồng trọt, có nước uống, cơm ăn, người người khỏe mạnh.
Dân làng tát nước lên con vật hiến sinh. (Ảnh: VOV)
Tiếng cầu khấn của già làng vừa dứt, toàn thể dân làng sẽ tập trung xuống bến nước, dùng tay tát nước vào con gà (vật hiến sinh) cho đến chết, riêng người thanh niên bị buộc vào cây nêu thì phải chạy vòng quanh cho đến khi dây đứt mới được về. Sau đó, toàn thể dân làng quay về nhà Rông tiếp tục làm lễ khấn tạ ơn các thần linh.
Bài khấn tạ ơn của già làng tại nhà Rông có đoạn như sau: “Ơi thần núi, thần nước, thần sấm, thần sét... Chúng tôi kính mời các thần linh xuống uống rượu cùng ăn thịt heo, thịt gà và phù hộ cho dân làng được khỏe mạnh, cho dân làng cái mưa để sản xuất, có cơm ăn, vật nuôi đầy sân...”.
Niềm vui của dân làng sau khi buổi Lễ thành công. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Sau khi làm lễ cầu khấn xong, dân làng cùng nhau mở tiệc liên hoan đến khi mặt trời xuống núi, rượu nhạt, người say mới về nhà nghỉ ngơi. Lễ hội cầu mưa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Gia Rai cho đến nay vẫn còn được lưu giữ, thể hiện sự tin tưởng mãnh liệt vào trời đất và ước nguyện của con người mong muốn cuộc sống được ấm no, hạnh phúc.
Theo các già làng, mỗi khi bà con dân tộc Gia Rai tổ chức Lễ cầu mưa ai nấy đều vui mừng, phấn khởi vì thần linh phù hộ, đem mưa tới cho mùa màng tươi tốt. Vì thế, sau khi kết thúc phần lễ, bà con tổ chức chiêng trống, múa hát rộn ràng để mừng sự thành công của Lễ hội cầu mưa.
Nam Yên