Người dân và vai trò "đại sứ" du lịch
Mới đây, khi một tài khoản mạng xã hội thông tin trong lúc chuyển phát nhanh từ Hà Nội về Đà Nẵng thì bưu tá giao nhận tại Đà Nẵng đã làm thất lạc một bì thư, trong đó có 30 cuốn hộ chiếu. Ngay sau khi bài viết được đăng tải đã có rất nhiều người, hội, nhóm chia sẻ thông tin với mong muốn chủ tài khoản sớm tìm lại được số hộ chiếu cho đoàn khách du lịch. Rất may, chỉ sau vài giờ lan tỏa thông tin, số hộ chiếu đã được tìm thấy. Việc hàng trăm lượt người cùng chung sức chia sẻ, hỗ trợ lan tỏa thông tin cho thấy sự nhiệt tình của người Đà Nẵng cũng như hình ảnh của một điểm đến an toàn dành cho du khách. Trước đó, trường hợp nam du khách nước ngoài đang ăn tối tại nhà hàng thì gặp vấn đề về sức khỏe. Rất may, vị khách này đã được một nữ du khách khác là nhân viên y tế cũng đang ăn tối tại đó hỗ trợ sơ cứu kịp thời.
Ngay sau đó, Sở Du lịch đã có thư cảm ơn và tặng giấy khen cho hành động đẹp của nữ du khách. Sự nhạy bén, kịp thời của một người làm nghề y không chỉ cứu được vị khách quốc tế mà còn giúp quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam nói chung, điểm đến Đà Nẵng nói riêng.
Đầu năm 2024, vợ chồng làm công nhân môi trường đô thị đã nhặt được 2 chiếc ví đánh rơi của hai du khách người Mỹ. Trong ví có những giấy tờ tùy thân quan trọng và cả tiền mặt. Rất nhanh chóng, hai công nhân đã phối hợp với các đơn vị liên quan để gửi trả lại cho du khách. Hai du khách khi đó đã rời Đà Nẵng để đến một quốc gia khác. Lúc nhận được thông tin từ các chuyên viên của Trung tâm Hỗ trợ du khách (Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng) đã tìm thấy giấy tờ tùy thân, hai du khách rất cảm kích bởi sự nhiệt tình, chu đáo của người dân Đà Nẵng. Sở Du lịch thành phố cũng nhanh chóng tặng giấy khen cho hai công nhân môi trường, khích lệ, biểu dương những nghĩa cử cao đẹp trả lại của rơi cho du khách.
Là đơn vị thường xuyên tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của du khách, trong quý 1-2024, Trung tâm Hỗ trợ du khách đã tiếp nhận 17.900 lượt khách tại văn phòng và các quầy thông tin tại sân bay; hỗ trợ 1.910 cuộc gọi, 90 email, 450 tin nhắn từ du khách qua các ứng dụng mạng xã hội. Nội dung khách cần tư vấn chủ yếu liên quan đến các thông tin về giá vé các điểm tham quan du lịch, các chương trình, lễ hội, sự kiện đặc sắc tại thành phố, thời gian cầu Rồng phun lửa, phun nước, thời gian cầu Sông Hàn quay. Tiếp nhận và xử lý khoảng 80 tình huống về các vấn đề thất lạc hành lý, điện thoại, giấy tờ tùy thân...
Một điểm đến hấp dẫn khách du lịch không chỉ bởi danh lam, thắng cảnh, dịch vụ vui chơi giải trí mà còn ở môi trường du lịch, yếu tố con người. Vì thế, việc bảo đảm môi trường du lịch luôn được thành phố, ngành du lịch quan tâm hàng đầu. Chính những điều tốt đẹp này đã khiến du khách cảm thấy yên tâm, tự tin khi đi du lịch Đà Nẵng, thậm chí nhiều du khách thích thú muốn quay trở lại thêm nhiều lần nữa. Có thể thấy, sự thành công của một thành phố du lịch bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố, song từ những việc làm đôi khi tưởng chừng rất nhỏ của mỗi cá nhân nêu trên đã góp phần xây dựng thương hiệu cho thành phố.
Đà Nẵng bắt đầu bước vào mùa du lịch cao điểm hè với nhiều chương trình, hoạt động, sản phẩm ấn tượng. Mục tiêu ngành du lịch đặt ra trong năm 2024 đạt 8,42 triệu lượt khách. Để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, ngành du lịch thành phố luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để hoạt động du lịch được lành mạnh và đúng quy định; đồng thời hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch bảo đảm an toàn chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ hướng đến chuẩn chất lượng cao, xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu trong nước và khu vực, luôn là điểm đến an toàn - thân thiện - mến khách. Trong mục tiêu và nhiệm vụ chung đó, người dân Đà Nẵng giữ vai trò quan trọng khi trở thành những “đại sứ” du lịch, giúp quảng bá và lan tỏa hình ảnh thành phố thân thiện, là điểm đến an toàn cho du khách trong nước và quốc tế.