Người đàn ông bền bỉ suốt 36 năm đào kênh qua núi dẫn nước về cho dân làng
Làng Tuanjie trực thuộc thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc là nhà của dân tộc Gelao. Trong 20 năm trở lại đây, gạo là một mặt hàng hiếm ở Tuanjie. Ngôi làng này không có nguồn cung nước ổn định cần thiết để gieo trồng, do đó người dân đã phải dựa vào ngô như lương thực chính của họ.
Nhưng nhờ sự kiên trì của một người đàn ông, vận mệnh của Tuanjie đã thay đổi.
Đặc biệt vào những năm khô cằn, ngô của họ mất mùa và dân làng chỉ còn đủ lượng ngô để ăn trong 4 hoặc 5 tháng tiếp theo. Có thời điểm, toàn bộ dân làng đều phải lấy nước từ một cái giếng duy nhất và thậm chí cả nó cũng thường xuyên khô cạn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nước đã về làng thông qua một con kênh được đào sâu vào vách của một ngọn núi cao 1.300m gần đó – tất cả là nhờ nỗ lực của Huang Dafa.
Người dân địa phương gọi nó là “Kênh đào Dafa” để vinh danh người đã xây dựng nó. Huang đã dành những năm tháng tuổi trẻ của ông để đào con kênh cắt qua núi Lingbao này. Những thành công và thất bại của dự án kéo dài tới 36 năm.
Ông Huang chia sẻ: “Nước là cuộc sống của tôi, và kênh đào này như là đứa con của tôi vậy.”
Mặc dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 8.000 USD, nhưng ở Quý Châu chỉ hơn 4.800 USD khiến tỉnh này là một trong những tỉnh nghèo nhất trong cả nước.
Con của ông Huang – 2 con trai và 6 con gái – đã bỏ học sớm. Chi trả tiền học cho họ quá tốn kém cho gia đình nghèo khó và ở nhà, con cái ông có thể giúp việc đồng áng. Thành viên gia đình có trình độ học vấn cao nhất là con trai út của ông, người đã hoàn thành trung học và đã trở thành giáo viên.
Những thế hệ trước ông Huang đã chấp nhận số phận của Tuanjie, nhưng khi Huang trở thành trưởng thôn vào năm 28 tuổi, ông bắt đầu mơ ước hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn: đó là đem nước về cho ngôi làng của mình.
Trong những năm 1960s, kênh đào Cờ Đỏ của tỉnh Hà Nam đã trở thành tin tức nổi bật trên trang nhất trên toàn quốc. Ở vùng được biết tới vì hạn hán và thiếu nước, người dân địa phương đã xây dựng một con kênh dài 70 km để đưa nước từ sông và những ngọn núi gần đó về nơi sinh sống. Kênh đào Cờ Đỏ trở thành nguồn cảm hứng cho cư dân Tuanjie, và Huang quyết tâm triển khai sáng kiến người dân Tuanjie có nguồn nước của chính mình.
Ý tưởng là lấy nước từ sông Luosi nằm cách Tuanjie vài km. Tuy nhiên, đối với dân làng, kênh đào là một dự án kỹ thuật lớn. Trong suốt một thập kỷ, họ đã cố gắng đào phiên bản kênh Cờ Đỏ của riêng mình, nhưng cuối cùng, hầu hết đã bỏ cuộc.
Ông Huang là một trong số ít vẫn kiên trì. Ông đã ghé thăm các trạm quản lý nước để tìm hiểu về xây dựng kênh đào. Mặc dù chỉ học tiểu học, ông đã mua một cuốn từ điển và tra cứu cẩn thận những từ vựng mà ông không biết. Năm này qua năm khác, ông đã xin hỗ trợ của chính phủ để bắt đầu dự án một lần nữa, nhưng ông chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ chính quyền.
Cuối cùng vào mùa đông năm 1990, ông Huang quyết định đi bộ 100km để đến thành phố Tuân Nghĩa, một chuyến đi kéo dài 2 ngày. Khi đến nơi, ông đã đợi gần nhà phó giám đốc lúc bấy giờ của cục tài nguyên nước của quận Tân Nghĩa, nơi chịu trách nhiệm về làng Tuanjie. Mặc dù các nhà chức trách tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh bức thiết của Tuanjie, họ yêu cầu dân làng nộp hơn 1.400 USD để tỏ thành ý muốn cam kết xây dựng kênh đào với sự hỗ trợ của cục.
Vào thời điểm đó, người dân Tuanjie trung bình sống dưới 14,7 USD/năm nên để gom được 1.400 USD là một thách thức quá lớn. Một số người từ chối đóng góp ngay khi họ biết được rằng số tiền sẽ được dùng cho một dự án mà theo họ sẽ thất bại. Số khác thì chế giễu: “Ông đã thất bại lần đầu rồi, nên tôi chỉ thừa nhận sai lầm nếu ông thành công được lần thứ hai này.” Tuy nhiên, hầu hết đều ủng hộ ông.
Dự án đã bắt đầu lại vào năm 1992. Huang dẫn đầu hơn 100 dân làng qua các ngọn núi để bắt đầu đào kênh.
Chính quyền địa phương đã đóng góp hơn 8.800 USD cho nỗ lực này và 190 tấn ngô để nuôi người lao động cũng như một công nhân xây dựng lành nghề để giúp đỡ, nhưng dân làng vẫn phải tự mua chất nổ, búa, và các nguyên liệu thô để làm xi măng.
Bản thiết kế đòi hỏi con kênh phải đi qua một vách núi dài 500m và cao 300m. Việc đào kênh ở vách núi này đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa. Đi đầu, Huang buộc một sợi dây thừng quanh lưng và treo người trên vách đá để kiểm tra sức bền của nó. Khảo sát vách núi mất nửa năm.
Kênh đào chính thức được đưa vào sử dụng vào tháng 8 năm 1994, hai năm rưỡi sau khi dự án bắt đầu. Qua một đêm, làng Tuanjie đã nhận được nước. Hiện tại, sau 2 thập kỷ, lúa non xanh và hoa cải vàng tô điểm cho các cánh đồng của làng.
Kênh đào mang nước đến mọi nhà, cho phép các hộ gia đình tưới tiêu ruộng và chăn nuôi. Tuy nhiên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Tuanjie vẫn chưa thể hoàn thành. Cứ 5 gia đình thì có một nhà dưới chuẩn nghèo quốc gia.
Dù đã ngoài 80 tuổi, ông Huang vẫn dành thời gian để làm sạch bùn ở con kênh, vá chỗ rò rỉ và ông không có ý định dừng lại. Ông chia sẻ: “Tôi có thể đào bới giỏi hơn bất cứ người trẻ tuổi nào với một cây cuốc. Kể cả cuốc đất, một con bò có thể nhanh hơn tôi, nhưng sớm hay muộn, tôi cũng có thể bắt kịp nó.”
K Nguyễn