Người dân Mexico tẩy chay hàng Mỹ, đáp trả động thái xây bức tường biên giới
Đáp trả động thái này, nhiều tổ chức phát động chiến dịch tẩy chay các thương hiệu Mỹ như McDonald, Starbucks và Coca-Cola.
Những dòng "hashtag" như #AdiosStarbucks và #AdiosProductosGringos nhanh chóng được lan rộng trên các trang mạng xã hội Mexico với tốc độ chóng mặt. Về phía Starbucks, công ty phản đối hành động này và cho rằng mình không đáng bị đối xử như vậy do các chi nhánh của Starbucks ở Mexico là do người bản địa sở hữu, cung cấp việc làm cho hơn 7.000 người dân ở quốc gia này. Starbucks còn cho biết thêm nguyên liệu để pha chế cà phê được mua từ chính những người nông dân ở Mexico.
Trong cuộc họp báo được tổ chức tại thành phố Mexico City hôm thứ Tư (1/2) vừa qua, tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto kêu gọi người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa "Made in Mexico" như một cú đáp trả tới tuyên bố "America First" (tạm dịch là "Người Mỹ là trên hết") của ông Trump.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc tẩy chay các sản phẩm đến từ Mỹ không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm tổn hại đến nền kinh tế Mexico bởi trên thực tế, những chi nhánh của các công ty đa quốc gia Mỹ ở Mexico là do chính người dân nước này làm chủ quản và cung cấp việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Căng thẳng giữa hai quốc gia được đẩy lên cao sau khi ông Trump tuyên bố Mexico phải trả tiền cho bức tường biên giới chứ không phải Mỹ. Ngay sau đó, tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto hủy bỏ cuộc gặp mặt với tân tổng tống Mỹ do những tranh cãi xoay quanh vụ việc này.
Đáp trả động thái trên, chính quyền ông Trump đe dọa sẽ nâng mức thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mexico lên 20%. Các chuyên gia ước tính, nếu áp dụng mức thuế này vào năm 2015 thì Mỹ sẽ thu về khoảng 60 tỷ USD tiền thuế từ Mexico.
Mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia vốn không đơn giản nay càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều chi nhánh của các công ty đa quốc gia lớn đến từ Mỹ tại Mexico là do người Mexico làm chủ. Trong khi đó, có khoảng 6 triệu lao động Mỹ đang phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại với Mexico. Bên cạnh đó, việc nâng thuế nhập khẩu hàng hóa của Mexico sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty sản xuất và lắp ráp ô tô Mỹ có nhà máy được xây dựng tại Mexico.
Đó vẫn chưa phải là mối lo ngại lớn nhất. Cơn ác mộng khủng khiếp nhất vẫn là lời đe dọa của ông Trump rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) do Canada, Mỹ và Mexico, ký kết ngày 12 tháng 8, 1992. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tổng thống Mexico Peña Nieto vẫn còn những lợi thế khác để giữ chân Mỹ như Mexico có thể ngừng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề về an ninh và phòng chống tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Hiện tại, ông Trump đã quyết định đàm phán lại hiệp định NAFTA.
Đức Quỳnh