Ngôi nhà của hơn 1.000 trẻ khuyết tật
Hai cô giáo "đánh vật" với 6 học trò
Một ngày nắng tháng 6 trong căn phòng rộng khoảng 30m2. 6 học sinh được chia làm 2 dãy bàn ngồi đối diện với cô giáo. Từ bút, phấn, sách vở tới những dụng cụ đọc hiểu như tranh vẽ, gậy tả vật đều được các thầy cô chuẩn bị, sắp xếp ngăn nắp bên trong chiếc tủ cạnh dãy học . “Em vẽ vầng trán, trán bác Hồ cao” tiết học tập đọc của cô giáo dường như không nhận được sự chú tâm của các em. Em thì nằm, em thì kêu gào, em thì cứ cười nói một mình, có em liên tục "bỏ vị trí" chạy nhảy trong lớp...
2 giáo viên, một người được phân công dạy còn người kia thì lo dỗ dành trấn an để các em không gào thét, đánh nhau, cởi quần áo lúc có người tới thăm lớp học. Đây là một trong những lớp học của Trung tâm Chăm sóc Giáo dục Hướng nghiệp Trẻ Khuyết tật trí tuệ Phúc Tuệ.
Khung cảnh lớp học |
Tọa lạc tại số 176 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, cơ sở 1 Trung tâm được chia làm 2 lớp là trẻ bị khuyết tật và lớp những trẻ bị tự kỉ, chậm phát triển.
Trung tâm Chăm sóc Giáo dục Hướng nghiệp Trẻ Khuyết tật trí tuệ Phúc Tuệ thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam. Hơn mười năm qua, Trung tâm nhận chăm sóc, nuôi dạy các cháu bị khuyết tật trí tuệ, vận động trên địa bàn và các vùng lân cận.
Cơ sở 2 nằm tại số 3, phố Thạch Cầu cũng với những lớp học tương tự. Trong những năm tháng nuôi dạy trẻ tự kỉ ở đây, đã có lúc lên tới hơn 100 học sinh theo học tại cả 2 cơ sở. Hơn 10 năm qua đã có hơn 1000 trẻ khuyết tật được nuôi dạy ở Trung tâm.
Lớp học của tình yêu thương
Học sinh thuộc các độ tuổi khác nhau, sự hiểu biết khác nhau, mang trong mình nhiều căn bệnh khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là trí não phát triển không bình thường.
Cô giáo Thu Hiền – một giáo viên trẻ tại trung tâm cho biết :”Để thực sự thành công trong việc giáo dục và định hướng các học sinh ở đây, điều đầu tiên nên nghĩ tới không phải là tiền. Mà là sự tôn trọng, đồng cảm và chia sẻ với các em. Chỉ khi thực sự có niềm đam mê và tâm huyết với những học sinh đặc biệt này mới có thể theo đuổi và gắn bó với nghề”.
Các cô giáo tận tình phân tích, diễn iải một cách dễ hiểu cho học sinh có thể hiểu được |
Cô Hiền chia sẻ với phóng viên về một bạn học sinh: “Phương là một học sinh hiếu động khuyết tật đặc biệt tại Trung tâm, những người tiếp xúc gần mà có những thái độ ác cảm với em ngay lập tức em sẽ phản ứng, thậm chí đánh đập, cào cấu người khác”. Chỉ cần ai nói em “béo”, em “chậm” là ngay lập tức em cấu xé và cắn họ. Đã từng có một giáo viên mới trong buổi họp đánh giá về học sinh nói về em Phương hơi chậm và nhút nhát ngay lập tức em lao vào cắn cấu cô giáo khiến cô phải khâu 2 mũi ở khuỷu tay.
Còn có những trường hợp sau giờ tan học các em tập trung dưới tầng để đợi phụ huynh đón nhưng nhân lúc các cô giáo không để ý có em lao ra ngoài đường chảy thẳng vào những con ngõ nhỏ khiến các thầy cô và gia đình phải liên lạc với chính quyền để hỗ trợ tìm kiếm suốt mấy ngày trời mới tìm ra.
Những vết cào, cấu dường như đã quá quen thuộc với các cô giáo ở Trung tâm |
Khó khăn từ ngay những việc nhỏ nhặt như vệ sinh cá nhân cho các em. Vì tính chất trung tâm có các mô hình như bán trú hay nội trú, vậy nên những em ở nội trú tại Trung tâm sẽ được ăn uống, ngủ nghỉ và vệ sinh cá nhân ngay tại trung tâm.
“Có những em chỉ cần khi gội đầu có nước vào đầu là ngay lập tức vùng vằng, giãy dụa kêu gào rồi tự đập đầu vào tường. Mỗi lần như thế cô lại phải khéo léo dỗ dành,an ủi. “Ngoan nào, lát nữa cô cho học xem tranh nhé”. Xem tranh là tiết học được các em yêu thích nhất. Tận dụng nó mỗi lần các em quấy phá cô thường lấy tiết học xem tranh ra để dỗ dành.
Tuy nhiên cũng có những lúc tiết học xem tranh cũng trở nên vô nghĩa với các em. Đã có lần, học sinh nam xin cô giáo đi vệ sinh giữa giờ học nhưng hơn 1 tiếng đồng hồ chưa quay lại. Cô giáo phải vào nhà vệ sinh để gọi em ra, bất ngờ khi em vẫn trần truồng và không chịu ra. Chẳng còn cách nào khác cô giáo phải vào mặc quần áo rồi đưa em ra.
Có học sinh nữ đến tuổi dậy thì không ý thức được việc vệ sinh cơ thể, bắt buộc các cô phải vệ sinh và thay băng vệ sinh cho các em, vậy mà có em lại cầm đi quăng quật, mang cả vào lớp học hay thậm chí để cả lên bàn. Đã có cô giáo do bị ám ảnh về việc một em học sinh cầm băng vệ sinh đã dùng nhét vào cặp sách nên đã nghỉ làm
Những câu chuyện về lớp học rất dài và vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và chỉ có tình yêu thương mới giúp cho lớp học được duy trì.
Cán bộ giáo viên và các em học sinh tại Trung tâm |