Ngoài vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn có một "át chủ bài" nữa khiến Mỹ phải lo sợ
Những tháng gần đây, Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và sự răn đe của Mỹ về một Triều Tiên sẽ "không còn tồn tại lâu nữa".
Vậy đâu là điểm tựa để một Triều Tiên nhỏ bé, cô lập lại có những hành động cứng rắn như vậy? Câu trả lời là: Triều Tiên đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân và có một lực lượng tác chiến không gian mạng cực kỳ tinh nhuệ.
Năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng
Sau vụ thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9, Triều Tiên tuyên bố đây là "chiến thắng vĩ đại mà người dân Triều Tiên phải trả bằng máu mới có thể giành được" và là điều "đáng tự hào nhất" trong việc đạt được "mục tiêu cuối cùng" của đất nước - đó là trở thành một cường quốc hạt nhân.
Theo ông Koo Kab Woo chuyên gia thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng đã "đạt đến giai đoạn không cần thử thêm hạt nhân nữa và các vụ thử tiếp theo sẽ không còn ý nghĩa" đối với nước này.
Ông Koo lấy dẫn chứng từ Pakistan - quốc gia với chương trình hạt nhân được cho là có liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, để củng cố cho nhận định của mình, ông cho biết, Pakistan đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân và từ đó đến nay đã không tiến hành thêm vụ thử hạt nhân nào nữa.
"Nếu chúng ta nhìn vào trường hợp của Pakistan thì có thể thấy Triều Tiên đã đạt đến giai đoạn cuối cùng của nước này trên con đường trở thành quốc gia hạt nhân", ông Koo nói.
Trong khi đó, chuyên gia Cha Du Hyeogn thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan cho rằng, Triều Tiên đã thể hiện sức mạnh cuối cùng bằng cách thử một quả bom nhiệt hạch (thử hạt nhân lần 6) và điều Bình Nhưỡng muốn bây giờ là khiến Mỹ tin vào những tuyên bố của nước này.
Từ những động thái cứng rắn của Bình Nhưỡng và nhận định của các chuyên gia, có thể nhận thấy, Triều Tiên đã hoàn thành chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình, và họ đã có trong tay một thứ vũ khí tối thượng có khả năng răn đe trước bất kỳ sự đe dọa nào từ bên ngoài.
Triều Tiên phóng thử tên lửa
Năng lực tác chiến không gian mạng
Bên cạnh việc có trong tay vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn có một lực lượng tác chiến không gian mạng (tin tặc) cực kỳ tinh nhuệ. Lực lượng này được thành lập vào thập niên 1980 của thế kỷ trước và không ngừng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, năng lực chuyên môn và phương thức tác chiến trên không gian mạng.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, từ năm 1986 đội ngũ tin tặc của Triều Tiên đã được đào tạo theo giáo trình máy tính 5 năm tại Đại học Quân sự Kim Nhật Thành.
Sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ tại Cục Tự động hóa chỉ huy và Cục Trinh sát thuộc Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng Triều Tiên, có nhiệm vụ đặc trách tấn công không gian mạng, thâm nhập các hệ thống máy tính của nước ngoài nhằm thu thập tình báo, tấn công máy tính và kiếm tiền.
Nhà sản xuất phần mềm an toàn máy tính Symantec tin rằng, mấy năm nay có nhiều vụ tấn công máy tính được cho là do tin tặc Triều Tiên tiến hành, kể cả vụ công ty điện ảnh Sony Pictures năm 2014 bị tấn công mạng, vụ Ngân hàng Ba Lan năm 2016 bị tấn công bằng mã độc và vụ Ngân hàng Trung ương Bangladesh năm 2016 bị trộm 81 triệu USD.
Tin tặc Triều Tiên từng thành công xâm nhập mạng quân đội Hàn Quốc. Hồi tháng 5, quân đội Hàn Quốc thừa nhận rằng:
"Vào tháng 9/2016, tin tặc Triều Tiên đã đột nhập Trung tâm dữ liệu tổng hợp mạng máy tính quân đội Hàn Quốc và đã đánh cắp một số tài liệu, trong đó có những tài liệu như "Kế hoạch tác chiến 5027" có liên quan tới cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên và các tài liệu mật khác", nhưng phải tới 20 ngày sau quân đội Hàn Quốc mới phát hiện bị mất cắp tài liệu.
Tướng Vincent Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, từng thừa nhận rằng, tin tặc Triều Tiên thực sự nguy hiểm, đủ trình độ để tấn công vào những tổ chức và quốc gia có mức độ bảo mật tốt nhất thế giới.
"Triều Tiên có thể không có khả năng làm tổn thương một gã khổng lồ như Mỹ hay Hàn Quốc bằng súng hoặc tên lửa, nhưng có thể khiến hệ thống máy tính tê liệt trong vài phút, thậm chí là vài giờ. Tất nhiên, cách tấn công này rẻ tiền hơn nhiều, nhưng vẫn cho hiệu quả cao", tướng Brooks nói.
Hiện Triều Tiên có khoảng 6.000 tin tặc nằm trong hàng ngũ quân đội. Họ là những người tài năng nhất đất nước, được tuyển chọn và đào tạo bài bản, cơ quan đặc trách tin tặc được gọi là Văn phòng 121.
Chủ tịch Kim Jong-un sử dụng máy vi tính trong chuyến thị sát Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân của Quân đội Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Mỹ sẽ e ngại nếu đụng độ Triều Tiên
Trong chiến tranh hiện đại, bên cạnh sức mạnh hiệp đồng tác chiến của các quân binh chủng và vũ khí trang bị, thì tác chiến không gian mạng là một lực lượng - một phương thức không thể thiếu, có vai trò tối quan trọng.
Triều Tiên có một lực lượng tác chiến không gian mạng được đánh giá giỏi nhất thế giới, do đó khi chiến tranh nổ ra, lực lượng này sẽ phát huy hết năng lực có thể để tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến.
Lúc này, các tin tặc của Triều Tiên sẽ sử dụng các thủ đoạn để bẻ khóa hoặc tung các virut mã độc thâm nhập vào hệ thống máy tính của Mỹ và đồng minh nhằm khai thác các thông tin mật, kế hoạch tác chiến, làm tê liệt hệ thống chỉ huy và làm sai lệch các dữ liệu chỉ thị mục tiêu, gây nhiễu loạn rada, thậm chí phá hủy máy tính...
Khi đó hiệu quả tác chiến của liên quân Mỹ sẽ bị suy giảm đáng kể, tạo ra thời cơ cho các lực lượng tên lửa, phòng không, pháo binh... của Triều Tiên phát huy năng lực tác chiến để đẩy lùi liên quân Mỹ.
Đặc biệt, khi cuộc chiến leo thang đến mức các bên phải tính đến phương án sử dụng vũ khí hạt nhân, các tin tặc Triều Tiên có thể phát hiện sớm ý định của đối phương để giúp cho chỉ huy tối cao của họ ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân sớm hơn nhằm làm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Đây là vấn đề mà Mỹ và các đồng minh chắc chắn phải tính đến. Mặc dù Mỹ có lượng lực tác chiến không gian mạng được trang bị rất hiện đại và có năng lực tác chiến rất đáng nể, nhưng khi phải đối phó với lực lượng tin tặc của Triều Tiên sẽ đặt ra những thách thức cực lớn cho lực lượng tin tặc của Mỹ.
Bởi vậy, có hay không một cuộc chiến tranh mà không ai mong muốn trên bán đảo Triều Tiên thì chỉ có thời gian mới trả lời chính xác, nhưng ngay từ lúc này, Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã phải tính đến cách đối phó với lực lượng tin tặc của Triều Tiên ngay cả khi chiến tranh chưa nổ ra.
Đại úy Phạm Doãn Tình - Trường Đại học Chính trị