Ngoại giao gấu trúc giúp Trung Quốc "ẵm" nhiều dự án đồ sộ tại World Cup 2022 ở quốc gia dầu mỏ Qatar
'Ngoại giao gấu trúc' là chính sách đã có từ lâu đời của Trung Quốc (Ảnh: Doha News). |
Món quà đặc biệt
Vừa qua, Trung Quốc thông báo sẽ tặng một cặp gấu trúc cho Qatar để đánh dấu sự kiện quốc gia dầu mỏ này tổ chức vòng chung kết World Cup năm 2022.
Ðại sứ Trung Quốc tại Doha Zhou Jian cho biết, đôi gấu trúc mang tên Suhail và Soraya sẽ được đưa đến Qatar trong tháng 10 trước khi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này được khởi tranh vào ngày 20/11.
“Ðây là món quà mà 1,4 tỷ dân Trung Quốc dành tặng cho World Cup năm nay và chắc chắn sẽ trở thành biểu tượng mới của tình hữu nghị Trung Quốc-Qatar”, Đại sứ Zhou phát biểu tại một buổi tiệc chiêu đãi.
Theo hãng tin AFP, Suhail là tên của một trong những ngôi sao sáng nhất có thể nhìn thấy được tại vùng Vịnh, trong khi Soraya là tên tiếng Arab của cụm sao Thất Nữ, vốn xuất hiện vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch.
“Ngoại giao gấu trúc” là chính sách đã có từ lâu đời của Trung Quốc. Cách đây 50 năm, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon tới Trung Quốc để tái lập quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Mao Trạch Ðông đã hứa tặng cho Mỹ đôi chú gấu trúc có tên Ling-Ling và Hsing Hsing để thể hiện thiện chí, qua đó đánh dấu sự phát triển của chính sách “ngoại giao gấu trúc”. Ðáp lại, Tổng thống Nixon tặng Trung Quốc đôi bò xạ hương tên là Milton và Matilda.
Trong vòng một năm đầu tiên kể từ khi đến Mỹ, ước tính có khoảng 1,2 triệu người đến vườn thú để chiêm ngưỡng cặp gấu trúc nói trên. Trong 20 năm tiếp theo, hai chú gấu luôn nằm trong số những con vật thu hút khách tham quan nhất tại Vườn thú quốc gia Mỹ.
Nhờ món quà này, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã có sự khởi sắc. Năm 1979, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Ðặng Tiểu Bình có chuyến thăm Mỹ để gặp Tổng thống Jimmy Carter, đánh dấu việc hoàn thành sứ mệnh bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Ðến nay, chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc vẫn được duy trì. Theo đó, Bắc Kinh cho các sở thú ở Mỹ hoặc các quốc gia khác thuê gấu trúc trong khoảng thời gian 10 năm.
Ðổi lại, sở thú đó phải trả khoản phí hàng năm từ 500.000 USD đến 1 triệu USD. Nếu các cặp gấu trúc cho thuê sinh đẻ, thì thế hệ sau đều được coi là “công dân Trung Quốc”.
Nhờ giữ vai trò trọng tâm trong quan hệ Mỹ-Trung, gấu trúc được hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cũng như được nghiên cứu tại nhiều cơ sở nghiên cứu trên khắp thế giới.
Về phần mình, các sở thú của Mỹ cũng được lợi nhờ gấu trúc giúp thu hút lượng lớn khách tham quan và tạo ra doanh thu, từ đó giúp bù đắp chi phí thuê và nuôi giữ loại động vật này.
Đại sứ thiện chí của Trung Quốc
Giới chuyên gia cho biết, gấu trúc đóng vai trò là đại sứ thiện chí của Trung Quốc. Ông Andrew J. Nathan, chuyên gia nghiên cứu về chính trị và chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhận định: “Ðó chính là quyền lực mềm của Trung Quốc. Gấu trúc rất dễ thương và đáng yêu. Vì vậy, con vật này phù hợp với ngoại giao hữu nghị".
Chính sách “ngoại giao gấu trúc” đã chính thức bắt đầu vào năm 1957 khi Trung Quốc tặng Liên Xô một cặp gấu trúc có tên Ping Ping và Qi Qi.
Trong giai đoạn 1957-1983, Trung Quốc đã tặng tổng cộng 24 con gấu trúc cho 9 nước. Ðến năm 1984, truyền thống tặng gấu trúc của Trung Quốc có sự điều chỉnh, do số lượng cá thể gấu trúc trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng.
Kể từ đó, Bắc Kinh chuyển sang “cho thuê” gấu trúc, vừa nhằm giữ được quan hệ tốt đẹp với các nước, vừa để có kinh phí bảo vệ giống loài này. Qua chương trình “cho thuê”, gấu trúc đã được đưa tới 20 quốc gia. Chỉ riêng trong năm 2019, Trung Quốc đã gửi đến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những đối tác thương mại lớn nhất của mình lần lượt 11, 9 và 4 con gấu trúc.
Những thỏa thuận tặng, cho thuê gấu trúc trong những năm gần đây không chỉ phản ánh mối quan hệ ngoại giao song phương tốt đẹp, mà còn trùng vào thời điểm Bắc Kinh và nước đối tác đạt kết quả thương mại lớn.
Chẳng hạn như Trung Quốc đã tặng gấu trúc cho Canada, Pháp và Australia sau khi đạt được thỏa thuận song phương với các quốc gia này về xuất khẩu uranium. Ðặc biệt, số lượng gấu trúc được cho mượn tăng cao kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức.
Với Qatar, tuy đội tuyển Trung Quốc không thể góp mặt tại World Cup 2022, nhưng các công ty của quốc gia châu Á này đã trúng thầu nhiều dự án xây dựng đồ sộ có liên quan.
Bên cạnh đó, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani từng là một trong số ít lãnh đạo thế giới tới tham dự Olympic mùa Đông Bắc Kinh năm 2022.
Tuyển thủ Quốc gia Chương Thị Kiều sẽ được phẫu thuật tại Vinmec để chuẩn bị cho World Cup 2023 Chiều 26/8/2022, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tổ chức hội chẩn về tình trạng chấn thương của VĐV Chương Thị kiều. Đội ngũ chuyên gia y học thể thao của Vinmec đã thống nhất phương án phẫu thuật cũng như thiết kế quá trình phục hồi chức năng đặc biệt cho nữ cầu thủ này. |
Việt Nam là quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á có nhiều dự án đầu tư vào Cuba Trong thời gian gần đây, Chính phủ Cuba đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư vào Cuba. Trong đó, Việt Nam là quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á có nhiều dự án đầu tư vào Cuba. |