Ngỡ ngàng tranh vẽ thật như ảnh chụp
CNN vừa tổng hợp các bức tranh của 9 họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng thế giới. Sự sống động của từng bức họa khiến người xem nhầm tưởng đó là sản phẩm của nhiếp ảnh gia.
Bức họa chân dung một đứa trẻ của nghệ sĩ Gottfried Helnwein người Áo. Gottfried Helnwein nổi danh với những bức chân dung siêu thực cỡ lớn, lột tả vẻ đẹp ngây thơ nhưng u buồn, đau thương của trẻ em. Ông là người không né tránh những chủ đề gây tranh cãi và được nhiều người ngợi ca vì các tác phẩm mô tả thực tế.
Tác phẩm của họa sĩ Robin Eley khiến người ta dễ dàng bị thu hút bởi “lớp ni lông” đặc biệt. Họa sĩ 36 tuổi gốc Australia mất nhiều tuần để tạo nên tác phẩm này từ sơn dầu và cọ vẽ nhỏ. Từng đường nét và nếp gấp của lớp nilon bao quanh cô gái thể hiện độ chi tiết hoàn hảo của người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm thường là thành quả của khoảng 500 giờ sáng tác.
Đối với họa sĩ Lee Price, phụ nữ và đồ ăn là nguồn cảm hứng bất tận. Các bức họa của ông thường lấy điểm nhìn từ trên cao và có bối cảnh riêng tư. Ví dụ tác phẩm trên thể hiện sự thoải mái của người phụ nữ khi ăn trong phòng ngủ.
Những tác phẩm chân dung của nữ họa sĩ Alyssa Monks xóa mờ ranh giới giữa tranh siêu thực và tranh vẽ. Nghệ sĩ 36 tuổi không hướng tới sự sao chép ảnh chụp mà muốn “vượt qua những điều nhiếp ảnh có thể lột tả”.
Tác giả người Bồ Đào Nha Samuel Silva coi nghệ thuật là một sở thích. Nghề chính của anh là luật sư. Anh luôn tạo ra những điều khác biệt trong các tác phẩm của mình. Các tác phẩm của anh được tạo nên từ bộ 8 bút bi của hãng BIC. Nó khiến người ta dễ nhận ra chúng là bức vẽ nhưng không thể phủ nhận trong đó có nhiều nét rất “thật”.
Khác với những tác giả trên, Jamie Salmon đã nâng nghệ thuật họa chân dung lên một đẳng cấp khác. Tác phẩm 3D to lớn và có phần kỳ quái của anh khiến nhiều người thích thú. Jamie Salmon sinh ra tại Anh. Những tác phẩm của ông tạo ra một trường phái độc đáo, cho người xem cảm giác thật tới từng chi tiết. Sản phẩm 3D tự họa của Salmon khiến nhiều người thích thú.
Ron Meuck (Australia) là một trong những ngọn cờ đầu của nghệ thuật điêu khắc siêu thực. Chủ đề trong các tác phẩm của Ron khá đa dạng, từ trẻ em đến người già.
Chuck Close là cha đẻ của các tác phẩm siêu thực, bắt đầu từ những bức tranh thật như ảnh. Ví dụ bức tự họa nổi tiếng (ảnh trên) được vẽ năm 1967, giai đoạn nhiều nhà lý luận nghệ thuật tuyên bố hết thời vẽ tranh chân dung.
Họa sĩ trẻ người Italia Diego Fazio sử dụng bút chì thổi hồn vào các tác phẩm. Nghệ thuật đổ bóng mang lại cảm giác chân thực đến từng chi tiết, dường như nước thật sự chảy trên mặt cô gái. Thật khó để tin rằng bức tranh được vẽ hoàn toàn bằng bút chì.
Họa sĩ người Hàn Quốc Kim Sung Young đã bắt đầu vẽ tranh siêu thực bằng sơn dầu gần 20 năm. Chủ đề quen thuộc của ông là những loài động vật nhỏ. Họa sĩ Kim luôn khuyến khích những nghệ sĩ trẻ nên “sáng tạo những thứ không tồn tại trong cuộc sống”.
Thùy Linh
Theo: CNN