Nghệ thuật vừa đánh vừa đàm của Nguyễn Trãi
Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim ghi Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1420, đồng thời dâng Bình Ngô sách lên Lê Lợi. Đánh vào lòng người (tâm công kế) là chiến lược cơ bản được Nguyễn Trãi đề cập trong Bình Ngô sách. Đây là chiến lược góp phần quyết định vào chiến thắng của cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Theo Ức Trai di tập, tâm công kế là chủ trương đánh vào lòng địch với hai phương thức chủ yếu là dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân, khi thì hòa hoãn tạm thời với địch để bảo toàn lực lượng, khi ưu thế thuộc về nghĩa quân thì dùng lý lẽ để buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.
Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi Bình Ngô sách tại căn cứ khởi nghĩa Lam Sơn (Tranh minh họa: Hoàng Hoa Mai). |
Tiêu biểu cho kế sách mưu phạt tâm công của Nguyễn Trãi là bức thư dụ Vương Thông lần nữa (Tái dụ Vương Thông thư). Trong thư, ông nêu 6 lý do tất bại của quân Minh rồi khuyên Vương Thông nghị hòa.
“Nay các ông kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải như thịt trên thớt, cá trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa.
Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dù thời cùng vận khốn, cũng nếm mật nằm gai, không chịu đem lòng kia khác; lẽ nào ngày nay, lại chịu tin theo những lời bất nghĩa của các ông. Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chúa cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham thì những người chống các ông sẽ kéo nhau ra hàng; như Trương Phi, Lã Bố, các ông lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên”.
Chính kế sách công tâm của Nguyễn Trãi đã góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn đồng thời giảm bớt thiệt hại cho cả hai bên.
Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã ở vào thế hoàn toàn có thể áp đảo được hàng trăm nghìn quân Minh ở Đông Quan. Một số tướng sĩ muốn đánh Đông Quan để giết hết quân xâm lược cho hả giận. Nhưng lúc ấy "hành khiển Nguyễn Trãi ở nơi màn trướng biết rõ chỗ mạnh yếu của giặc, nên mới chuyên chú về mặt nghị hòa".
Hội thề Đông Quan là một hình thức kết thúc chiến tranh sáng tạo, độc đáo trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do ông và Lê Lợi tổ chức.
Tại hội thề này, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã buộc Vương Thông và 100.000 quân sĩ nhà Minh đều phải lần lượt thề trước nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân nước ta không chỉ là rút nhanh, rút hết mà chủ yếu là không bao giờ quay lại xâm lược nước ta một lần nữa và khi về đến Trung Quốc cũng phải tâu lên với triều đình Nhà Minh như vậy.
Sử cũ ghi lại trước ngày lên đường về nước, Vương Thông đã sang chào từ biệt đại bản doanh của nghĩa quân và ở lại một đêm cùng các lãnh tụ và tướng lĩnh Lam Sơn vui chơi, trò chuyện rất cởi mở, thân mật. Sáng hôm sau, Vương Thông lên đường, các lãnh tụ nghĩa quân tiễn tặng trọng hậu: trâu, rượu, cờ thêu, trướng vẽ và nhiều tặng vật khác. Hành động hòa hiếu, nhân đạo của quân dân Đại Việt khiến các hàng binh đều rất cảm động.
Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu Ức Trai, quê ở Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến Thường Tín, Hà Nội. Sách sử ghi lại, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi 5 lần trực tiếp vào thành địch dụ hàng. Bản thân ông cũng nhân danh Lê Lợi và nghĩa quân viết trên 60 bức thư cho các viên tướng chỉ huy của nhà Minh như Vương Thông, Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc, Dã Tung, Liễu Thăng… để lên án hành động của quân xâm lược, dụ địch đầu hàng để tránh phải đối đầu trực tiếp. |