Nghệ thuật đấu tranh ngoại giao giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam
Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc |
Hội nghị nâng cao nhận thức pháp luật về tôn giáo cho 200 tăng ni, tu sỹ, chức việc Phật giáo tại Nghệ An |
Ảnh minh họa |
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, do đặc điểm là quốc gia nhỏ, ở cạnh một số nước lớn, luôn ngự trị tư tưởng “bành trướng, thôn tính, mở mang bờ cõi”, “tranh bá, đồ vương”, “bình thiên hạ”, tự cho mình có quyền cất binh đi “điếu phạt”, buộc các quốc gia xung quanh phải trở thành “chư hầu” lệ thuộc,… nên Việt Nam liên tục phải đấu tranh, đương đầu với các đế chế hùng mạnh, lăm le xâm chiếm, quy phục và thực hiện chính sách cai trị, nô dịch, v.v. Trải qua những thăng trầm đó, hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn kiên cường, bất khuất giữ vững nền độc lập, thái bình, thịnh trị. Tuy nhiên, một số triều đại có tư tưởng nhu nhược, để đất nước bị lệ thuộc, không có nền độc lập, tự chủ, nhân dân chịu cảnh lầm than. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của những thủ lĩnh, anh hùng các triều đại lại đứng lên giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, cố kết cộng đồng đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ bờ cõi, giữ vững sự bình yên để gây dựng giang sơn, cơ đồ nước Việt.
Cùng với đấu tranh quân sự, cha ông ta còn vận dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng kiên quyết, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, bảo đảm “trong ấm, ngoài êm”, giữ yên bờ cõi. Các chính sách ngoại giao của nước ta được thực thi một cách thiên biến vạn hóa, đa dạng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị của mỗi chế độ, triều đại phong kiến Việt Nam, nhưng đều nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền thái bình lâu bền cho muôn dân.
Nghệ thuật đấu tranh ngoại giao của các triều đại phong kiến Việt Nam được đề cập trong bài viết tập trung vào thời kỳ từ khi hình thành triều đại phong kiến tự chủ thời nhà Ngô (938) đến khi có Đảng Cộng sản Việt Nam. Với chiều dài lịch sử gần một nghìn năm, trải qua sự trị vì, cai quản của các triều đại phong kiến Việt Nam từ nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đến nhà Hồ, Lê Sơ, Mạc, Tây Sơn và nhà Nguyễn, nghệ thuật ngoại giao của nước ta được nghiên cứu, phát triển, vận dụng khá hiệu quả, trở thành nội dung cốt lõi, xuyên suốt, đóng góp quan trọng vào bảo vệ, khẳng định nền độc lập, tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không bị đồng hóa bởi sự thống trị của các nền văn hóa ngoại bang.
Qua nghiên cứu lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên một số vấn đề cơ bản trong đấu tranh ngoại giao như sau:
1. Đấu tranh ngoại giao nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong lịch sử quan hệ với các nước láng giềng của Việt Nam, quan hệ với Trung Hoa được xem là mối quan hệ lâu đời và quan trọng nhất. Trong quá trình quan hệ giữa hai nước, cha ông ta hết sức coi trọng đấu tranh ngoại giao, giữ vững nền độc lập, tự chủ của dân tộc và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước. Điều này thể hiện rõ tư tưởng, tinh thần, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, bằng mọi giá phải có độc lập, tự chủ, phải bảo vệ, giữ yên bờ cõi, không để đất nước bị xâm lăng.
Tiêu biểu là thời nhà Lý, để ngăn chặn mưu đồ mở rộng lãnh thổ của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông đề cao cảnh giác, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao, như: bang giao chính thức thông qua các sứ bộ, giao dịch buôn bán, trao đổi ở khu vực biên giới và tổ chức các hoạt động định biên, thống nhất biên giới; chủ động cử sứ giả sang nhà Tống cầu phong, xin kinh Đại tạng, thậm chí chấp nhận cống nạp, làm phiên thần để đạt được mục đích quốc gia, dân tộc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ. Hoạt động đấu tranh ngoại giao thời nhà Lý, nhất là các chính sách bang giao mềm dẻo không chỉ làm giảm bớt căng thẳng, ngăn chặn ý định xâm lược Đại Việt của nhà Tống, mà còn đòi lại được vùng đất Quảng Nguyên (Thuận Châu) năm 1079, đổi lại năm 1081, nhà Lý trao trả cho nhà Tống số dân và binh lính bị bắt. Tiếp đó, năm 1084, Lý Nhân Tông “sai thị lang Binh bộ Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng người Tống bàn việc cương giới,… định biên giới, nhà Tống trả lại cho ta 06 huyện, 03 động”.
Trong thời nhà Lê Sơ, chúng ta thực hiện nhiều chính sách ngoại giao khôn khéo, buộc nhà Minh phải công nhận nền độc lập, tự chủ của nước Đại Việt. Hay trong thời nhà Tây Sơn, nhờ thực hiện tốt các hoạt động đấu tranh ngoại giao, nhà Thanh phải công nhận độc lập của nước Nam; bỏ tục lệ cống người, vàng bạc, châu báu; trả lại 07 châu xứ Hưng Hóa đã chiếm trước đó; thay đổi cách nhìn; đồng thời, tôn trọng chủ quyền và văn hóa nước Nam trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, các hoạt động đấu tranh ngoại giao thời nhà Nguyễn sau này, buộc nhà Thanh phải công nhận quốc gia phong kiến độc lập, có chủ quyền, công nhận quốc hiệu tự đặt là “Việt Nam”, thay cho “An Nam quốc” trước đây, công nhận lãnh thổ miền biên giới và trên biển của nước ta...
Các bậc tiền nhân đã tạo nên sự hưng thịnh của kỷ nguyên văn minh Đại Việt với những sách lược tài tình, đầy trí tuệ |
2. Thực hiện linh hoạt, sáng tạo các chính sách, biện pháp ngoại giao; chú trọng chính sách ngoại giao kiên trì, mềm dẻo, biết người, biết mình, giữ hòa hiếu, thân thiện, nhưng kiên quyết, cứng rắn. Trước tư tưởng luôn cho mình là “Thiên triều”, coi nước nhỏ là “chư hầu” và chính sách “Sắc phong, triều cống” của các vương triều phong kiến phương Bắc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp ngoại giao hết sức mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, nhằm giữ hòa hiếu, thân thiện, mang lại sự bình yên cho đất nước. Nổi bật là, chúng ta đã thực hiện chính sách “Trong xưng đế, ngoài xưng vương” để che mắt các vương triều phương Bắc, bên ngoài trên danh nghĩa chịu “thần phục”, nhún nhường, nhượng bộ, chấp nhận cống nạp (vàng, bạc, voi, ngựa,… đồ vật quý hiếm có giá trị) để được phong chức tước, công nhận chủ quyền, hoãn binh, ngăn chặn chiến tranh, tránh họa binh đao khói lửa, giữ yên bờ cõi,… bên trong thì xưng “Hoàng Đế” để cai quản, trị vì đất nước. Năm 997, nhân khi vua Tống băng hà và việc nhà Tống phong Lê Hoàn làm Nam Bình Vương, Lê Hoàn đã sai sứ sang Tống đáp lễ, trước hành động đó của Lê Hoàn, vua Tống đã “ban chiếu thư khen ngợi”. Từ đó, nhà Tống thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng có lợi cho ta. Trong thời nhà Lê Sơ, để ngăn chặn ý định trả thù, tái chiếm nước ta của nhà Minh, Lê Lợi đã khoan dung, nhân nhượng mở vòng vây, thả tù binh, cấp thuyền bè, lương thảo cho binh lính nhà Minh về nước an toàn. Với tư tưởng kiên trì, mềm mỏng, khéo léo, giữ hòa hiếu, thân thiện với các nước lân bang, nhưng không yếu mềm, nhu nhược, hèn nhát, luôn cứng rắn, kiên quyết trong ngoại giao bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước, năm 1473, khi giao nhiệm vụ đi sứ, vua Lê Thánh Tông dặn sứ giả “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vứt bỏ, ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe, còn có thể sai quan sang sứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Không những thế, cha ông ta còn phô trương sức mạnh, khả năng phòng bị đất nước để ngăn chặn ý định xâm lược của đối phương, như khi đón tiếp sứ thần nhà Tống (Tống Cảo và Vương Ích Tắc) ở trại Nại Chính (Trường Châu, Hoa Lư), Lê Hoàn đã cho “bày thủy quân và chiến cụ”.
Đặc biệt, thời nhà Trần, mặc dù ba lần đánh bại đế quốc Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, vua Trần vẫn kiên trì chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên, để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững chế độ nhà Trần trong 175 năm. Cùng với đó, cha ông ta còn thực hiện biện pháp nghi binh, đánh lừa, hòa đàm trong hoạt động đấu tranh ngoại giao, như thời nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã cử người đóng giả mình sang chầu vua Mãn Thanh, kết hợp với chủ trương giải hòa để xoa dịu, ngăn chặn âm mưu phục thù của nhà Thanh. Những chính sách trên, thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao: “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “cương nhu kết hợp”, “tiến lúc mạnh, thoái lúc yếu”, khoan hòa, linh hoạt của cha ông ta trong lịch sử.
3. Kết hợp chính sách đối nội với đối ngoại, tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng. Nhận thức rõ mối quan hệ giữa chính sách đối nội và đối ngoại, các triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ hai lĩnh vực này, nhằm huy động tiềm lực của toàn dân, tập hợp lực lượng cả nước chống giặc. Trong công tác đối nội, các triều đại thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, khoan thư sức dân, Thời nhà Nguyễn đã cử các đội quân, dân đi khai phá đảo hoang, thu lượm sản vật, thực hiện quyền quản lý trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong phát triển văn hóa, giáo dục, nhà Lý đã cho xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám, mở các khoa, bảng thi cử, tuyển dụng, chiêu mộ hiền tài đất nước, đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt, không để bị đồng hóa bởi văn hóa phương Bắc. Đồng thời, ban hành các bộ luật “Hình Thư” thời nhà Lý, “Hồng Đức” thời Lê Sơ, nhằm giữ vững trật tự, kỷ cương sơn hà, xã tắc, bảo đảm trên dưới một lòng, không phân chia cát cứ, phản loạn, cầu cứu bên ngoài; thực hiện “trong ấm, ngoài êm”, “nội yên, ngoại tĩnh”. Trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, chú trọng các chính sách kết hợp dựng nước với giữ nước, kinh tế với quốc phòng, như “ngụ binh ư nông”, “tĩnh vi nông, động vi binh”, “quốc phú, binh cường”, xây dựng quân đội gồm quân Triều đình, quân các hương, lộ, phủ và lực lượng dân binh, thổ binh; tổ chức đóng thuyền chiến, rèn đúc vũ khí, xây dựng thành lũy, luyện tập binh mã, bố phòng cẩn mật nơi biên giới xung yếu, đề phòng giặc giã,... xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, tạo thế và lực hỗ trợ cho công tác đối ngoại, ngoại giao với các nước lân bang, răn đe, ngăn chặn ngoại xâm nhòm ngó. Trong hoạt động đối ngoại, cha ông ta luôn đề cao cảnh giác, giữ bí mật, không cho sứ giả vào do thám nắm nội tình, xâm lược nước ta. Lê Hoàn đã khéo léo đề nghị sứ giả nhà Tống: “Sau này, nếu có quốc thư thì nên giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền sứ thần đến đây nữa”3; tranh thủ tối đa cơ hội bang giao hòa hiếu với các nước lân bang, ngăn chặn chiến tranh, giữ yên bờ cõi, tạo môi trường hòa bình để các triều đại phong kiến Việt Nam tồn tại, phát triển thịnh vượng lâu dài, tránh họa xâm lăng của các thế lực ngoại bang.
Những vấn đề cơ bản trong nghệ thuật đấu tranh ngoại giao giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Thượng tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC PHÚ.
Bộ Ngoại giao: Người nước ngoài tại Việt Nam có thể gia hạn thị thực Liên quan đến vấn đề gia hạn thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19, người phát ngôn Bộ Ngoại ... |
Bộ Ngoại giao ra hai khuyến cáo tới người Việt Nam trong và ngoài nước Từ ngày 16/03, Bộ Ngoại giao đã ra khuyến cáo tới người Việt Nam trong và ngoài nước trước tình hình diễn biến phức tạp, ... |
Các nhà ngoại giao quốc tế lần đầu tiên thi làm bánh chưng tại Ba Vì, Hà Nội Cuộc thi “Trải nghiệm làm bánh chưng” nằm trong chương trình "Khám phá văn hóa cổ truyền Việt dành cho Đoàn ngoại giao - Tết ... |