Nghề làm bánh tráng truyền thống Hòa Long, Bà Rịa Vũng Tàu
Nghề làm bánh tráng truyền thống ở ấp Bắc 1, xã Hòa Long, Bà Rịa Vũng Tàu. |
Không ai biết đích xác nghề làm bánh tráng ở ấp Bắc 1, xã Hòa Long, Bà Rịa Vũng Tàu có từ khi nào, chỉ biết rằng, những cụ bà già nhất ở đây đều biết tráng bánh từ hồi còn thiếu nữ, và bánh tráng là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây, đặc biệt trong những ngày lễ Tết.
Đối với người dân Hòa , bánh tráng là nghề truyền thống, món bánh tráng không thể thiếu trong dịp Tết, nó là nguyên liệu để làm nhiều món ăn Tết như bánh nem để cuốn chả giò, bánh lớn thì cuốn dưa giá, thịt luộc… Vì thế, nên ngày Tết bánh tráng được tiêu thụ rất nhiều…
Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo tẻ ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Để bánh thêm dai và không bị rách cần pha thêm một chút muối với tỷ lệ hợp lý.
Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Người làm bánh còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem bánh phơi ngay khi nắng vừa lên.
Không chỉ phục vụ cho người dân trong xã và vùng phụ cận, vào những ngày Tết, có nhiều vị khách từ xa lặn lội về tận lò bánh đặt hàng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng nhiều của những lò tráng công nghiệp, mặc dù vẫn có thể tiếp tục sống bằng nghề truyền thống của gia đình, nhưng cuộc sống của những chủ lò bánh tráng thủ công ở Hòa Long ngày càng khó khăn hơn, vì không đủ sức cạnh tranh với các lò công nghiệp công suất cao, điều kiện môi sinh được đảm bảo, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…