Nghề gác kèo ong tại rừng U Minh Hạ, Cà Mau
Mới đây, Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công nhận xác lập kỷ lục đối với tổ ong mật lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong ở Cà Mau.
Việc gác kèo ong là một nghệ thuật và người thợ phải vận dụng tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng để đẽo gọt cây kèo và chọn vị thế hợp lý (còn gọi là trảng) sao cho thu hút đàn ong về xây tổ. Kèo ong có thể được làm từ cây cau, cây bình bát… nhưng người gác kèo thường chọn cây bình bát, do cây nhanh khô, vỏ cây ít mủ nên tỷ lệ gác kèo thường đạt 40 – 50% so với các cây khác.
Nơi chọn trảng để gác kèo ong phải rộng, thoáng và và phải có ánh nắng len lỏi vào thân kèo. Ngoài ra, cây kèo không bị ẩm mốc. Vị trí đặt kèo trụ cao nhất cao khoảng 2,6m và trụ thấp nhất khoảng 1,4m (hướng kèo gác phải dóc) để có tỷ lệ mật được nhiều hơn, nếu gác kèo ngang thì mật đạt không cao. Thời gian ong xây tổ đến thời điểm thu hoạch khoảng 15- 20 ngày.
Từ tháng 11 âm lịch kéo dài tới tháng 3 âm lịch là mùa “ăn ong”. Trung bình, mỗi tổ ong cho khoảng 3-5 lít, tổ to có thể cho đến trên 10 lít mật.
Những người "ăn ong" chuyên nghiệp thường không lấy hết phần tổ ong mà chỉ cắt khoảng 3/4 hoặc 4/5 tổ ong (tùy vào tổ lớn hoặc nhỏ) để ong có thể tiếp tục xây tổ trên nền tổ đã được cắt đi. Tổ ong sau khi được thu hoạch có nhiều thành phẩm như mật ong, sáp ong, ong non, phấn ong.
Mật ong là nguyên liệu quý trong y học, chế biến thực phẩm. Ong non có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu như: nấu cháo, chiên bột, làm gỏi, mắm ong,.... Phấn ong có công dụng phục hồi sức khỏe rất tốt đối với người già, người suy nhược cơ thể. Sáp ong là phần xác tổ ong sau khi đã vắt sạch mật, có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất đèn cầy, đèn thắp sáng…