Nghệ An: Người dân Vinh mong được sử dụng nước sạch, giá đúng
Người nhà và bệnh nhân dùng nước dè sẻn tại BV Sản nhi Nghệ An. Ảnh: GDTĐ |
Trước đó, như người dân địa phương khẳng định việc thiếu nước sạch trầm trọng như hơn 1 tháng qua ở thành phố Vinh (Nghệ An) và các vùng phụ cận là điều chưa bao giờ xảy ra. Theo báo cáo của Công ty CP Cấp nước Nghệ An, đến sáng 10.8, đã có 50 cuộc gọi của khách hàng báo thiếu, mất nước, trong đó có khách hàng lớn là Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Nguyên nhân chính được xác định là do UBND tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo “lạ” đối với hoạt động của doanh nghiệp, tại công văn 5540/UBND-CN ngày 09/08/2019.
Trong suốt thời gian dài, Công ty Sông Lam đã được hưởng “độc quyền” bán nước thô với giá tự doanh nghiệp đặt ra, dẫn đến người dân thành phố Vinh phải sử dụng nước sạch với chi phí cao gấp hơn 50 (năm mươi) lần so với các tỉnh có cùng đặc điểm về điều kiện tự nhiên.
Theo theo nội dung của “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” được ký ngày 28/01/2015 giữa Công ty Sông Lam và UBND tỉnh Nghệ An thì Công ty Cấp nước Nghệ An phải mua nước thô của Công ty Sông Lam với gia ban đầu được xác định là 1.950 đồng/m3, lộ trình tăng giá nước 2 năm/lần, mỗi lần tăng 12%.
Theo hồ sơ phóng viên có được, văn bản thỏa thuận này sai về căn cứ khi không có sơ sở tính toán để xác định giá nước thô là 1.950 đồng m3, lộ trình điều chỉnh trái quy định như kiến nghị nhiều cơ quan báo chí đã gửi đến UBND tỉnh Nghệ An. Sau đó, ngày 09/01/2019 UBND tỉnh nghệ an đã ra quyết định hủy bỏ thỏa thuận này từ ngày 02/01/2019.
Tuy nhiên UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa có quyết định về giá nước thô, nên Công ty Cấp nước Nghệ An vẫn tiếp tục thu mua nước thô của Công ty Sông Lam với giá 1.950 đồng/m3, dẫn đến người dân thành phố Vinh đang phải sử dụng nước sạch với chi phí nước thô gần 3.000 đồng/m3.
Việc thiếu nước sạch trầm trọng đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như quá trình vận hành của nhiều cơ quan, nhà máy đặc biệt là các bệnh viện, trường học, khu vực tập trung khu dân cư, bởi thiếu nước sạch là một cực hình đối với người dân.
Trước những kiến nghị của Công ty cấp nước Nghệ An cũng như phản ứng của người dân, dù đã có những chấn chỉnh nhưng đến đầu tháng 9, tình trạng thiếu nước lại xảy ra. Lần này, nguyên nhân được xác định là do sự can thiệp của UBND tỉnh Nghệ An khi xử lý vấn đề nguồn nước thô do Công ty Sông Lam không đủ điều kiện sản xuất nước sạch.
Đến ngày 03/09 UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản số 2699/SXD-HTKT với nội dung cho phép Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An sử dụng nước sông Đào để sản xuất nước sạch. Dù cho ở thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An vẫn được quyền sử dụng nước sông Đào khi giấy phép sử dụng nước sông Đào của doanh nghiệp này vẫn còn hiệu lực. Doanh nghiệp không vi phạm các quy định trong quá trình khai thác nước sông Đào.
Trong cuộc họp báo diễn ra sáng 06/09, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã khẳng định sẽ có kết luận chính thức liên quan đến vấn đề này ngày 13/09 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Bởi theo ông Hoa, nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho nhân dân là việc chính quyền phải phục vụ. Muốn vậy cần phải tạo điều kiện tốt nhất để có sự đầu tư của các doanh nghiệp, tạo cạnh tranh lành mạnh nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Văn phòng UBND tỉnh cũng tham mưu thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh – ông Thái Thanh Quý làm Tổ trưởng để chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến các vấn đề hoạt động cấp nước trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận.
Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vẫn chưa có các động thái ngay và luôn như lòng dân mong đợi. Trong khi đó, người dân địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các bệnh viện, trường học, khu tập trung đông dân cư vẫn đang khốn khổ vì vấn đề thiếu nước sạch.