Ngày hội biên giới Việt - Trung
“Điểm hẹn” của tình hữu nghị
Một ngày cuối năm, Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) rộn ràng tiếng cười đùa, thăm hỏi. Khoảng 20 người dân xã Bản Lầu chuẩn bị trà, thuốc, trái cây... đón những người bạn láng giềng thuộc thị trấn Nam Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, địa phương kết nghĩa với Bản Lầu sang thăm. Khi gần 10 người dân tổ Tam Bình Bá và tổ Điền Phòng (thị trấn Nam Khê) bước vào cửa nhà văn hóa, người dân thôn Cốc Phương, thôn Na Lốc 4 (cùng thuộc xã Bản Lầu) tay bắt mặt mừng.
Vừa mời nhau uống trà, họ vừa trao đổi về cuộc sống hàng ngày, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi...Đây là chuyến thăm giữa những người bạn láng giềng có chung dòng sông Bá Kết, con sông tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung. Cách đây hơn 10 năm, tháng 8/2013, thôn Cốc Phương đã kết nghĩa với tổ Tam Bình Bá. Tiếp đó, vào tháng 5/2015, thôn Na Lốc 4 kết nghĩa với tổ Điền Phòng.
Theo ông Sùng Nhà (thôn Na Lốc 4), sau khi kết nghĩa hai bên mới biết nhau, qua lại rồi thân với nhau. Ngôn ngữ của hai bên người dân đều nói được, hiểu được.
Được biết, bà con thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá còn góp tiền mua chung một chiếc trống để phục vụ việc cưới hỏi, tang ma. Chiếc trống này hai bên thay nhau giữ, nếu bên nào có việc thì mang về dùng. Mỗi khi nghe tiếng trống bên “hàng xóm”, bà con hai bên lại chủ động liên lạc với nhau để chung tay gánh việc.
4h chiều tại Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 50 người. Nhóm thì chơi bộ 15 bộ dụng cụ thể dục do Bộ Quốc phòng tặng, nhóm thì chơi đá bóng, nhóm thì chơi bóng chuyền, nhóm nhảy dân vũ. Tiếng gọi nhau, tiếng nhạc, tiếng trò chuyện rôm rả cả một núi rừng.
Một hoạt động thể thao diễn ra tại Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. |
Theo anh Hoàng Minh Tuyển, Bí thư chi bộ, Trưởng Khu Chợ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết, được khánh thành năm 2021, trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6, Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung đã trở thành ngôi nhà chung của nhân dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và nhân dân trấn Động Trung, khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Từ khi đi vào hoạt động, nhân dân các dân tộc Tày, Dao, Kinh khu vực biên giới của xã Đồng Văn tới Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung để họp mặt, giao lưu và đón nhận những thông tin mới đến từ hai bên biên giới... Ở dải biên cương này, ai cũng tự hào vì có chung nhà văn hóa, có chung sân chơi thể thao.
Theo Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đến nay, đã có 6 nhà văn hóa hữu nghị biên giới được xây dựng dọc tuyến biên giới Việt - Trung, gồm: Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại bản Pô Tô (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu); Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt -Trung tại thôn Na Lốc 3 (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai); Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại thôn Chi Ma (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn); Trung tâm văn hóa hữu nghị Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng; Nhà văn hóa hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), Nhà văn hóa hữu nghị Việt - Trung tại xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Việc xây dựng các nhà văn hoá hữu nghị là một trong những hoạt động của chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức từ năm 2014 với mục đích tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước.
Đến nay, Việt Nam - Trung Quốc đã phối hợp tổ chức thành công 8 lần Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Các chương trình qua từng năm đã góp phần làm phong phú, phát triển, hoàn thiện thêm các hình thức, cơ chế hợp tác mà Bộ Quốc phòng, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đã và đang triển khai.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hỗ trợ, xây dựng 2 công trình phục vụ phát triển kinh tế địa phương; 1 công trình đường dân sinh… với tổng kinh phí hơn 100 tỉ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; tạo sức lan tỏa sâu rộng về tình cảm hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, về mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Trung Quốc, về đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Nhiều sáng kiến, mô hình phối hợp đã được phổ biến và nhân rộng; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia như: Mô hình kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”; “Đồn - Trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa”, đến nay, đã triển khai kết nghĩa được 82 cặp Đồn - Trạm Biên phòng hai bên biên giới; tham mưu chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa được 67 cặp cụm dân cư hai bên biên giới; “Xây dựng đường biên giới kiểu mẫu”; “Tuần tra đoàn kết”; “Rừng cây hữu nghị Biên phòng Việt - Trung”; “Giao lưu công tác chính trị”; “Phối hợp thực thi pháp luật trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc”; “Sứ giả hữu nghị”...
Việc xây dựng các nhà văn hoá hữu nghị là một trong những hoạt động của chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức từ năm 2014 với mục đích tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước. |
Sáng tạo nhiều mô hình mới
Thiếu tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trong thời gian tới, lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu hai nước sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trọng tâm theo các cơ chế hợp tác đã thiết lập, tăng cường phối hợp thực thi pháp luật, bảo vệ đường biên, mốc giới, quản lý cửa khẩu; củng cố lòng tin, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi theo hướng thực chất, hữu nghị, hòa hợp và bền vững. Hệ thống cửa khẩu sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả thông quan cửa khẩu.
Đồng thời, căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể, sẽ chủ động triển khai các hoạt động Hội đàm, tuần tra chung, đẩy mạnh diễn tập liên hợp phòng chống khủng bố, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, cứu trợ y tế qua biên giới, hội thao quân sự và duy trì nền nếp, hiệu quả các hoạt động này.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tiếp tục chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng 7 tỉnh biên giới phía Bắc phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước bạn nâng tầm quy mô, mở rộng nội dung, hình thức triển khai các mô hình đối ngoại qua thực thế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như: Mô hình “Xây dựng đường biên giới kiểu mẫu”, “Sứ giả hữu nghị”, “Tuần tra đoàn kết”, “Cửa khẩu kiểu mẫu”... tiến hành các hình thức sinh hoạt chính trị như “Lá cờ Đảng soi sáng biên cương”, “Việt - Trung hữu nghị tâm liền tâm”, “Trồng rừng cây hữu nghị”.... Tác động tích cực từ các mô hình này đã cho thấy lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu hai nước đã thêm nhiều gắn bó, đồng thuận để sáng tạo nên các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ biên giới chung được hiệu quả hơn.