Ngành tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong năm 2022
Ngày 11/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước. |
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm nuôi năm 2021 các loại đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020. Trong đó 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin, diện tích thả nuôi của tỉnh trong năm 2021 đạt trên 76.700 ha, sản lượng thủy sản đạt 339 nghìn tấn; trong đó, sản lượng nuôi thủy sản đạt gần 271 nghìn tấn. Riêng nuôi tôm nước lợ Sóc Trăng thả nuôi 53.000 ha, sản lượng đạt 189 nghìn tấn.
Hiện diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở Sóc Trăng đang được mở rộng và tăng lên, chiếm 93,7%, trong đó, nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao chiếm 9%, với khoảng hơn 4.000 ha. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, đã góp phần thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh thu mua, chế biến, xuất khẩu; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm qua là gần 1,3 tỷ USD - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Ngành tôm ở ĐBSCL sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. |
Nêu thực trạng ngành tôm, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, ngành tôm Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; vấn đề này dẫn đến nhiều hệ luỵ. Theo ông Sử, nếu bình quân năng suất tôm cả nước khoảng 1 tấn/ha; thì tại Sóc Trăng đạt hơn 3 tấn/ha, trong khi Cà Mau chỉ đạt khoảng 750 kg/ha. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn giữa các mô hình sản xuất. Tỉnh Cà Mau có 280.000 ha diện tích nuôi tôm nhưng chỉ có 10% là nuôi thâm canh và siêu thâm canh, diện tích này không tập trung mà phân tán rải rác.
Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha (trong đó, tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ 125.000 ha); sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021)...
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan quan tâm quản lý nâng cao chất lượng tôm giống; giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh... để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần giải quyết một cách căn cơ các vấn đề của ngành tôm, kể cả trước mắt và lâu dài; từ vấn đề nuôi công nghệ cao chỉ đạt trên dưới 10%, tôm chủ yếu là nuôi ao đất; kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học; vấn đề chất lượng, kiểm soát nguồn gốc con giống... “Nếu từng địa phương không hành động quyết liệt thì ngành tôm chẳng những khó phát triển mà còn thụt lùi, rất khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Xuất khẩu thịt giảm mạnh trong tháng đầu năm 2022 Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021. |
[Infographics] 9 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trong 2 tháng đầu năm 2022 Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. |
4 thị trường lớn chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đầu năm 2022 Theo thống kê từ Tổng Cục Hải quan, tháng 1/2022, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm hơn 57% kim ngạch xuất khẩu cả nước. |