Ngành công nghiệp điện mặt trời đang tạo ra số lượng công việc nhanh gấp 17 lần so với phần còn lại của nền kinh tế Mỹ
Theo một báo cáo mới được công bố bởi Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), các công việc liên quan đến thái dương năng ở Mỹ và một số quốc gia khác đang gia tăng một cách nhanh chóng.
Tính đến tháng 11 năm 2016, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ đã sử dụng 260.077 công nhân, tăng 24,5% so với năm 2015, với tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 17 lần so với toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Trong đó, số lượng công việc làm về quang điện mặt trời là 241.900; 13.000 công việc trong lĩnh vực sưởi ấm và làm mát bằng thái dương năng và 5.200 công việc trong lĩnh vực hội tụ năng lượng mặt trời (CSP).
Hơn một nửa số công việc liên quan đến thái dương năng ở Mỹ đang trong quá trình triển khai; 15% trong sản xuất; 13% trong phát triển dự án; 12% trong bán hàng và phân phối; 6% cuối cùng trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển.
Rõ ràng, ánh sáng mặt trời được khai thác thông qua các hệ thống thái dương năng là hoàn toàn miễn phí. Nhờ đó, chi phí lao động và vật liệu là những yếu tố được tập trung nhiều kinh phí hơn. Và khi chi phí cho nguyên vật liệu giảm dần, thì công nhân trong ngành này sẽ được hưởng lợi.
Lực lượng lao động trong ngành năng lượng mặt trời cũng trở nên đa dạng hơn, với số lượng lao động nữ tăng từ 19% năm 2013 lên 28% trong năm 2016. Đặc biệt là trong ngành bán hàng và phân phối tăng tới 33,8%. Điều này có nghĩa là nhiều phụ nữ hơn có được việc làm trong ngành năng lượng mặt trời hơn là các ngành năng lượng truyền thống khác.
Các công việc liên quan đến thái dương năng không phải là lĩnh vực duy nhất đang phát triển trong nền kinh tế Mỹ. Công nghiệp điện gió cũng đã tạo ra khoảng 102.500 việc làm trong năm 2016 và hướng đến 147.000 việc làm vào năm 2020.
Các công việc liên quan đến ethanol có giảm đi nhưng sản lượng lại tăng do năng suất lao động tăng lên; hầu hết các công việc có liên quan đến ethanol (khoảng 161.700 việc làm) là thuộc ngành nông nghiệp, với khoảng 35.000 việc làm thực tế sản xuất ethanol.
Trong năm 2016, sản lượng diesel sinh học tăng 23% tương ứng với số công việc liên quan đến nó cũng tăng 23% - khoảng 61.100 việc làm, với gần 80.000 tổng số việc làm trực tiếp và không trực tiếp sử dụng lao động trong sản xuất sinh khối rắn.
Cuối cùng, trong năm 2016 có khoảng 7.000 công việc liên quan đến khí sinh học ở Mỹ.
Những công việc liên quan đến nhiên liệu hóa thạch đang dần biến mất do nguồn nhiên liệu này đang trở nên khan hiếm hơn và xuất hiện nhiều lựa chọn “hợp lý” hơn.
Rõ ràng, năng lượng tái tạo đang trở thành một xu hướng mới, không còn chỉ là truyền thông mà nó đang dần trở thành một phần vào nền kinh tế của thế giới. Các công việc liên quan đến năng lượng tái tạo an toàn hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Không chỉ lực lượng lao động mà cả hành tinh đều mong chờ những công việc như thế.
Tham khảo Sciencealert
Nguyễn Tuấn Tài