Ngân sách EU có thể sụt giảm 20 tỷ euro mỗi năm vì Brexit
Ông Oettinger cảnh báo về mức độ thâm hụt ngân sách khổng lồ đối với EU
Theo kế hoạch, tiến trình Brexit sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 3/2019, sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Anh với EU. Ông Gunther Oettinger, Ủy viên EC về ngân sách, cho biết nguy cơ thâm hụt đã được tính đến và mức độ nghiêm trọng của nó sẽ rõ ràng hơn sau thời điểm nói trên.
"Không còn sự đóng góp của nước Anh nữa, vì thế chúng tôi mất khoảng 10 tỷ bảng hay 11 tỷ euro mỗi năm" - ông Oettinger cho hay. Theo ông này, nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến mới trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng và an ninh đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách có thể tăng gần gấp đôi, lên tới 20 tỷ euro mỗi năm.
Dưới thời cựu Thủ tướng Margaret Thatcher, Anh đạt được thỏa thuận với EU mà theo đó nước này được giảm hơn 3 tỷ euro khi đóng góp vào ngân sách chung của khối. Thỏa thuận này cũng được áp dụng tương tự với Đức, Áo, Hà Lan và Thụy Điển.
Người dân Anh tuần hành ủng hộ Brexit
Tuy nhiên, khi Anh rời khỏi EU và chấm dứt đóng góp ngân sách cho liên minh, thỏa thuận trên sẽ gây khó chịu cho các nước thành viên còn lại bất chấp việc nó sẽ hết hạn vào cuối năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia trong khối sẽ phải đóng góp công bằng hơn.
Một tài liệu đánh giá triển vọng của ngân sách EU cho rằng: để bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ nói trên, 27 quốc gia thành viên sẽ phải đóng góp nhiều hơn hoặc liên minh sẽ phải đẩy mạnh đánh thuế cũng như các nguồn thu thay thế.
Ngân sách EU năm nay rơi vào khoảng 157,9 tỷ euro. EC hy vọng sẽ thu hồi được một số tiền mặt từ Anh, bằng cách yêu cầu chính phủ nước này tuân thủ các cam kết với tư cách thành viên hiện tại, trong đó bao gồm cả việc chi trả trợ cấp cho các quan chức EU.
Trọng Sang