Ngân hàng thời Covid: Sứ mệnh của “bác sĩ” cấp cứu
Kịp thời “cấp cứu”
Là một thương hiệu lớn trong ngành dịch vụ cắt tóc nam, 30Shine sở hữu hệ thống 73 salon trên toàn quốc. Theo lãnh đạo 30Shine, ở thời thịnh, DN này có 1.168 thợ cắt tóc trong tổng số nhân viên là 2.377 người, thuê cửa hàng ở những vị trí đắc địa...
Khi dịch bệnh hoành hành, DN cũng từng lâm vào bờ vực phá sản. Đỉnh điểm là tháng 9/2021, có tới 70/73 salon của 30Shine dừng hoạt động. Doanh thu của hệ thống từ hơn 44 tỷ đồng/tháng khi trước dịch (4/2021) giờ giảm 92%. Dù bi đát đến vậy nhưng DN này hàng tháng vẫn phải bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng cho các loại chi phí như thuê mặt bằng, tiền lương, thanh toán bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, 30Shine đã “sống dậy”. Các salon mở lại. Người lao động có việc làm. Lương thợ gần 10 triệu đồng/tháng.
Về triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất NHNN đã kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho NHCSXH, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP (quy mô tối đa 16.000 tỷ đồng); để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ (quy mô tối đa 7.500 tỷ đồng). |
Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng Bộ phận Tài chính - Kế toán của 30Shine nói: Không phải là phép màu mà đó là sự “giang tay” kịp thời và đắc lực của ngân hàng. Vị “bác sĩ cấp cứu” đó là BIDV Thái Hà.
Bà Hiền nói: "Ngay khi thấy DN có dấu hiệu bất ổn, BIDV Thái Hà đã chủ động tư vấn, hướng dẫn chúng tôi về các chính sách mới của Chính phủ, trong đó có giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm phục hồi và duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Kế hoạch cụ thể được xây dựng: 30Shine đã được BIDV Thái Hà giãn nợ và giữ nguyên phân loại nhóm nợ 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Cụ thể, ngân hàng cơ cấu nợ 12 tỷ đồng trong 4 tháng cho 30Shine. Ngoài ra, BIDV cũng giảm lãi suất cho thương hiệu cắt tóc này.
Nhờ được tiếp sức, giờ đây hầu hết các salon của DN này đã mở trở lại, cho dù doanh thu chưa thể được như trước.
Một salon cắt tóc của 30Shine sau khi phục hồi hoạt động |
Câu chuyện trên là một minh chứng thuyết phục cho mối quan hệ cộng sinh giữa NH và DN.
Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ giữa năm nay khi dịch lên đỉnh điểm, 16 ngân hàng thương mại (NHTM) có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm đối với dư nợ tín dụng của khách hàng hiện hữu. Ngoài ra vào đầu tháng 8/2021, 4 NHTM Nhà nước (BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank) đã cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% phí dịch vụ cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Vẫn quan chức này cho hay, nếu tính lũy kế từ 23/01/2020 đến ngày 22/11/2021, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng đã đạt khoảng 32.600 tỷ đồng. Cùng với đó, nhờ hạ lãi suất thấp hơn so với trước dịch nên số tiền cho vay mới ước đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.
Những “bà đỡ” chân tình
Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, tài chính thì việc các NH giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 2%/năm là không hề nhỏ nếu tính trên tổng dự nợ nền kinh tế là khoảng 9 triệu tỷ đồng. “Nhìn chung có thể thấy các NH đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các DN gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Đó cũng là cách mà các NH tự giúp đỡ mình, bởi DN và NHTM là thực thể cộng sinh với nhau”, ông Thành nhấn mạnh.
Nhìn vào con số thì cơ bản sẽ thấy được quy mô của sự hỗ trợ, tuy nhiên nếu chỉ như vậy thì chưa phản ánh hết những gì mà ngành NH đã làm trong thời điểm khốc liệt vừa qua. Để hỗ trợ DN thực sự hiệu quả, các NH đã áp dụng một số cơ chế rất sát thực tế, khả thi và thích hợp.
BIDV là một trong những ngân hàng lớn đã hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 |
Ví dụ ở BIDV, đối với khách hàng là DN nhỏ và vừa, NH này đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 bao gồm 2 cấu phần. Phần một có quy mô 5 triệu USD từ nguồn viện trợ của ADB với nội dung DN được tham gia đào tạo miễn phí và được hỗ trợ trả lãi vay cơ cấu nợ lên tới 10.000USD/khách hàng; Phần 2 có quy mô 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn BIDV với nội dung giảm 1.5%/năm lãi suất cho vay hoặc miễn, giảm phí đối với một số sản phẩm, dịch vụ.
NHTM cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) có chương trình “Tiếp sức DN do phụ nữ làm chủ” với mục đích hỗ trợ các đối tượng này phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh trước dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, nếu DN phát sinh cơ cấu nợ kể từ ngày 07/01/2021 thì sẽ được hỗ trợ 6 tháng tiền lãi, đồng thời được miễn toàn bộ các loại phí liên quan đến cơ cấu nợ. Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 230 triệu đồng (tương ứng là 10.000 USD). Bên cạnh đó SHB còn triển khai thêm nhiều hoạt động khác như tặng tài khoản số đẹp cho DN và lãnh đạo; miễn phí 100% dịch vụ chi hộ lương, miễn phí toàn bộ gói internet banking, miễn phí chuyển tiền trong nước…
Để tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa gạo tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), ngành NH đã tập trung nguồn vốn, xem xét nâng hạn mức tín dụng trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu với thời hạn hợp lý... Đến cuối tháng 10/2021, tại khu vực ĐBSCL các tổ chức tín dụng đã cấp hạn mức tín dụng hơn 85 nghìn tỷ đồng cho các DN, thương nhân thu mua, tạm trữ thóc, gạo; đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế hơn 122 nghìn tỷ đồng để thu mua hơn 19 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua để chế biến, tiêu thụ gạo đến cuối tháng 10/2021 đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 70,3% hạn mức tín dụng được cấp và tăng khoảng 30% so với cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc. |
Tiếp cận hỗ trợ DN vượt qua dịch bệnh ở một góc độ khác, NHTM cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đưa ra gói hỗ trợ với DN ngành dược và vật tư y tế (ngành cốt lõi phòng chống Covid-19) với những ưu đãi như tài trợ không tài sản bảo đảm đến 100% chi phí đầu vào; đa dạng hình thức tài trợ: cam kết tín dụng, cho vay, phát hành bảo lãnh, thư tín dụng; hỗ trợ DN ngay cả khi chưa trúng thầu hoặc chưa có hợp đồng đầu ra; đặc quyền miễn giảm phí giúp tối ưu hóa lợi ích dòng tiền…
Vẫn theo TS. Võ Trí Thành, nếu nói về sự hỗ trợ trong 2 năm đại dịch vừa qua thì NHNN là một trong những cơ quan vào cuộc sớm nhất. Tháng 3/2020 NHHN đã ban hành Thông tư 01 và gần đây nhất là Thông tư 14 (ban hành đầu tháng 9/2021).
Trên cơ sở này, hệ thống NHTM đồng loạt triển khai 3 nhóm chính sách hỗ trợ gồm nhóm 1: Giãn, hoãn, khoanh nợ, giảm lãi suất cho các khoản nợ hiện hữu. Nhóm 2: Cho vay mới với lãi suất giảm. Nhóm 3: Cố gắng hạ một số loại phí giao dịch, TS Võ Trí Thành chia sẻ.
Những động thái này đã cho kết quả ấn tượng, tính đến ngày 22/11/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 600.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 283.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 đến nay ước đạt 580.000 tỷ đồng. Trong lúc nguy nan nhất của đối tác, NH phải khai phát sứ mệnh “lương y” vừa để cứu bạn vừa để giúp mình.
BIDV ủng hộ 10 tỷ đồng phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, BIDV đã khẩn cấp hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố trị giá 10 tỷ đồng. |
Chứng khoán BIDV hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021 Ngày 20/7/2021, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã chứng khoán: BSI) công bố báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 216 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch kinh doanh năm 2021. |