Ngân hàng "quay xe", thị trường bị đạp thủng 1.240 điểm
Định vị thị trường
Các thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận sự hồi phục của một số thị trường mạnh như TWSE (+2,76%), KOSPI (+0,36%) trong khi SHMCP (-1,65%), SET (-1,12%) lại giảm điểm khá mạnh.
Thị trường Việt Nam vẫn chưa có phiên hồi phục sau khi đã liên tục gây thất vọng. Thiệt hại điểm số còn nhiều hơn 2 phiên trước gộp lại.
Chất xúc tác
Mặc dù tiếp tục bị nhà đầu tư tháo chạy nhưng thị trường không có dấu hiệu rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Quy mô khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 6 liên tiếp ở trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh của HOSE đã giảm khoảng 21%.
Khối ngoại không tăng cường áp lực dù đã quay lại bán ròng. |
Trong khi đó, áp lực của nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa có dấu hiệu tăng cường trở lại. Sau một phiên giải ngân khá mạnh vào thị trường, khối ngoại cũng chỉ quay lại bán ròng hơn 120 tỷ đồng. Các giao dịch tại VNM (+94 tỷ đồng), VCB (+40,5 tỷ đồng), BCM (+33 tỷ đồng), BID (+27 tỷ đồng) dù chưa đủ làm đảo ngược cán cân giao dịch nhưng cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại với nhóm cổ phiếu lớn của thị trường.
Theo ghi nhận, giá bán USD trên thị trường tự do đã về mức 25.700 VND/USD trong khi lãi suất liên ngân hàng đang có sự cân bằng ở trên mức 4,5%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang đều đặn bơm ròng trở lại vào thị trường. Trong ngày hôm qua, NHNN bơm ròng 7.088,98 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 83.300 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 42.943,37 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Thị trường thực tế đã cố gắng cầm cự cho đến phiên chiều nay nhưng ngay khi Ngân hàng có cú "quay xe" đã khiến nhà đầu tư mất điểm tựa về tâm lý. MBB (-5,2%), TPB (-4,6%), OCB (-4,6%), MSB (-3,7%), CTG (-3,7%), BID (-3,6%), ACB (-3%), TCB (-2,5%), VPB (-2,1%), SHB (-1,8%) đồng loạt xuất hiện những lực bán tháo trong đó MBB được xem là mã mạnh nhất ngành ở thời điểm hiện tại cũng giảm sâu nhất.
Không chỉ Ngân hàng, các cổ phiếu lớn như GVR (-6,6%), POW (-4,5%) cũng "thêm dầu vào lửa" khiến VN30 mất 1,59% khi đóng cửa.
Sự thất vọng của nhà đầu tư cũng phản ánh vào hành động bán tháo trên thị trường khiến các cổ phiếu DGW, DBC, VTP, DPG, CSV, SMC, BSI giảm sàn dù cách đây một vài tuần vẫn là những cổ phiếu mạnh nhất của thị trường.
Thị trường có thể còn giảm sâu hơn nếu như các "ông lớn" FPT (+1,13%), VIC (+0,25%), VNM (+0,76%) không tăng giá. Chốt phiên, VN-Index mất 1,82% xuống 1.231,81 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 728,38 triệu đơn vị, tương đương 18.069 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều trong giai đoạn "chịu trói" chung số phận với VN-Index, lần lượt mất 1,59% và 1,31%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.400 tỷ đồng.