Ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại Công điện số 1194 ngày 12/9 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 16 ngày 26/9 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, lợn không rõ nguồn gốc.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm giết mổ gia súc đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Ban Chỉ đạo 389 tăng cường ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc.
Thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhất là tình hình dịch bệnh và các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn tại các địa bàn biên giới để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.
Tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các chương trình, kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc,... trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Trong một diễn biến liên quan, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 8, lan sang 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh. Tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan ở lợn nhưng không gây hại cho người hoặc động vật khác.
Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cảnh báo dịch tả lợn châu Phi "gần như chắc chắn" sẽ tấn công các nước khác, chủ yếu qua các sản phẩm thịt lợn đã hoặc chưa qua chế biến. Việc kiểm soát dịch rất khó khăn bởi virus tả lợn có thể tồn tại nhiều tháng trong sản phẩm thịt và thức ăn chăn nuôi.
Xuân Hoà