Nga loạng choạng chống trả tập kích đường không kiểu "bầy đàn" tầm cực gần ở Syria
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang tài trợ cho một dự án tên lửa giá rẻ với số tiền 700 triệu đô la trong giai đoạn 2014-2018. Dự án được mô tả: có 135 đạn tên lửa được xếp gọn trong mỗi container phóng, một hệ thống có 3 container như vậy đặt trên xe ô tô, tổng số lên đến 405 tên lửa/1 xe…
Tên lửa, nhỏ bé này có nhiệm vụ chống các vật thể bay cực gần trong bán kính 2 đến 3 km, theo nguyên tắc đầu nổ chạm (xuyên) đích.
Tạp chí của Nga oborona.ru đăng tải bài báo nói về vũ khí chống trả đường không tầm cực gần này của Mỹ cách đây 2 tháng, sớm hơn rất nhiều sự kiện "bầy đàn" máy bay UAV liều chết lao vào căn cứ Khmeimim và Tartus của Nga ở Syria, với ý đồ ném bom phá máy bay, đường băng, quân cảng.
Căn cứ không quân Khmeimim.
Tập kích cực gần từ bầu trời
Giờ đây các tướng lĩnh phòng không Nga mới đang tập trung vào phân tích, mổ xẻ khả năng đánh chặn "bầy đàn" vật thể bay gần sao cho hiệu quả!
Nói cho đúng, từ rất lâu, súng máy phòng không 12,7mm tới pháo 23mm loại 2 nòng tới 4 nòng được Nga phát triển từ chiến tranh thế giới II và sau này, chúng đã phát huy tác dụng trong phòng không tầm gần, cực gần của máy bay ném bom thế hệ 1 và 2.
Đạn loại cao xạ này mới chỉ là đạn không điều khiển, cho dù "giăng màn đạn" bắn chặn cũng hiệu quả. Thế nhưng, tính chủ động của đạn (như tên lửa bám bắt mục tiêu) cho các đối tượng tác chiến đường không mới thì chưa bằng.
Nga chú trọng đến các loại tên lửa tầm gần, vác vai MANPADS, bắn đơn lẻ, như SA-7, hoặc ghép nhiều MANPADS bắn loạt nhỏ, trên tàu chiến, trên xe bánh xích, như Strela-10, sau này là SA-14 Gremlin, có đầu dò mới làm việc dựa trên nguyên lý điều chế FM, (phương pháp này ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu hay mồi nhiệt hơn so với các đầu dẫn đường dùng điều chế AM).
Gần đây Nga quảng cáo có loại vác vai Verba cự ly bắn khoảng 6km, trần cao dao động từ 10m – 3,5km…
Nga cũng có loại phòng không tầm gần Pantsir-S1 đặt trên xe (12 quả tên lửa), kết hợp pháo bắn nhanh. Chính Pantsir-S1 đã lập công bắn rơi loạt máy bay UAV mới đây nhằm vào căn cứ căn cứ quân sự Khmeimim và Tartus của Nga ở Syria.
Tuy vậy, căn cứ vào tính năng bắn cực gần, Strela, SA-14 Gremlin, Verba, Pantsir-S1, có mật độ hỏa lực thấp khi bắn các mục tiêu tập kích gần, "bầy đàn" đông, vả lại giá thành mỗi đạn rất đắt.
Phòng không Nga triển khai ở Khmeimim.
Tập kích "bày đàn"
"Cách đánh" trong chiến tranh liên tục phát triển, công nghệ đã mách nước cho các chỉ huy quân sự sử dụng vật thể bay nhỏ, như UAV lớn hơn UAV tiểu hình một chút, chỉ dài tối đa 1 đến 2 mét, mang được vũ khí thuốc nổ mạnh, tập kích bất ngờ từ khoảng cách gần, độ cao thấp, cực thấp từ 2 đến 3 km và hơn nữa.
Khác với các dàn tên lửa phóng loạt Việt Nam gọi là "DKB", dùng tập kích hỏa lực gần, bầy UAV cỡ nhỏ này mang đạn có thuốc nổ mạnh, được dẫn bằng tín hiệu GPS đến chính xác mục tiêu. Sử dụng loại này đột kích căn cứ, đối phương giữ được yếu tố bất ngờ, chúng bay thấp tránh được radar các loại.
Một loại nữa là tên lửa tự chế của dân quân, lực lượng khủng bố địa phương….
Giữa tháng 10-2017, Mỹ đã tuyên bố thử nghiệm thành công UAV siêu nhỏ Perdix - loại vũ khí chiến thuật tác chiến theo kiểu bầy đàn nhằm gây nhiễu hệ thống phòng không đối phương.
Loại UAV mini này được không quân Mỹ thử nghiệm 2 lần trước đó vào năm 2015 và 2014, để thực hiện thử nghiệm này, một chiếc F-16 của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân tại Alaska với tốc độ khoảng 700 km/h.
Perdix được phóng ra, sau khi hạ xuống độ cao nhất định, UAV này tách dù, lúc này cánh quạt rộng khoảng 3 cm bắt đầu quay để đẩy nó lên phía trước. Phát minh này nhằm tạo ra các mục tiêu giả định để đánh lừa các hệ thống radar và tên lửa phòng không của đối phương, từ đó bảo vệ cho vật chủ là máy bay chiến đấu của Mỹ.
Với các nhà công nghệ, từ UAV gây nhiễu, đến UAV loại nhỏ, mang vũ khí tấn công tập kích tầm cực thấp, công nghệ không hề xa chút nào. Thực tế đã xảy ra ở Khmeimim và Tartus.
UAV phiến quân sử dụng để tập kích các căn cứ Khmeimim và Tartus.
Hiện tại một số nước ở Trung Đông, trong dân chúng phát triển rất nhiều tên lửa tự tạo, bắn vào các căn cứ của "lực lượng thù địch". Đây cũng là nguy cơ tập kích "bầy đàn".
Thực tế đòi hỏi, phải có hệ thống tên lửa phóng loạt rẻ tiền, nhỏ hơn nữa, phóng tới tấp vào các phương tiện bay tập kích kiểu bầy đàn, mới có thể bảo vệ vững chắc mục tiêu.
Chuyên gia thành viên của "Hội đồng vũ khí", Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, ông Igor Korotchenk viết: Trong các cuộc chiến tranh khu vực, khi những kẻ nổi dậy bắn những trái đạn từ tầm bắn súng cối, sử dụng UAV siêu nhỏ mang vũ khí chống lại nhà nước, chống trả chúng bằng các tên lửa dẫn đường có chi phí cao không có hiệu quả.
Mới nhất, ngày 12/01/2018, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận: Việc phóng các máy bay không người lái ở Syria đã được tiến hành từ một nơi trong một khoảng thời gian tương đối ngắn... Đây là những UAV mang thiết bị nổ ngẫu nhiên có trọng lượng khoảng 400 gram, dạng quả bóng bằng kim loại, với bán kính phá hủy đến 50 mét.
Mỗi máy bay không người lái tham gia vào cuộc tấn công đã mang theo 10 viên đạn như vậy. Có tới 12 chiếc tham gia. Nga bắn rơi 7 chiếc, 3 chiếc bị phá do lượng nổ mang theo, còn lại bị chặn do hình thức khác.
Vũ khí chống "tập kích bày đàn"
Người Mỹ trong mấy năm gần đây sớm đưa ra khái niệm tập kích đường không "bầy đàn", bằng khí cụ bay có điều khiển, hoặc bom có hướng dẫn… Phải chăng như vậy nên nước này sớm có dự án về tên lửa cực nhỏ, tầm cực thấp để phòng ngừa.
Lượng đạn của tên lửa của hệ thống này phải rất lớn (hàng trăm trái) trong một trận địa, để bảo vệ các cuộc tấn công khổng lồ. Điều quan trọng giá của một đạn tên lửa này phải ít hơn giá một tên lửa dẫn đường tầm trung.
Một loại tên lửa như vậy nên có cảm biến với đầu radar (bán chủ động hoặc chủ động). Chúng cần sẵn sàng kích hoạt rất nhanh để bắt đầu từ trạng thái "lạnh" để không quá 1 giây, sau khi phóng lên, nó được hướng dẫn tấn công mục tiêu bay đến gần "ngay trước trán".
Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) mới đây vừa phát triển một hệ thống phòng không MHTK (Miniature Hit-to-Kill). Đạn tên lửa đánh chặn của nó có chiều dài chỉ 69 cm, đường kính 5 cm, khối lượng khoảng 3 kg. Đạn tên lửa diệt mục tiêu theo nguyên tắc đầu nổ chạm (xuyên) đích.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang tài trợ cho dự án này với số tiền 700 triệu đô la trong giai đoạn 2014-2018.
Các tên lửa được đặt trong các container phóng. Có 135 đạn, trên mỗi container, cả thảy 3 container trên 1 xe phóng có tới 405 tên lửa. Tên lửa được hướng dẫn bởi đầu radar (ở giai đoạn đầu) và bán chủ động, (giai đoạn sau). Chi phí sản xuất hàng loạt khoảng 20 nghìn USD (giá năm 2006).
Tổ hợp MHTK do Lockheed Martin phát triển.
Tên lửa bé vậy, những được dẫn bằng radar đa năng Giraffe AMB 740, mua từ hãng Saab Systems.
Hãng Raytheon (USA) cũng đang phát triển loại tên lửa nhỏ AI3 (Accelerated Improved Intercept Initiative) nhằm chặn các đạn, pháo và đạn cối. AI3 được tạo ra dựa trên tên lửa không đối không AIM-9M Sidewinder. Tên lửa được hướng dẫn bởi đầu radar. Đang có một hợp đồng dự kiến sẽ sản xuất ra 754 tên lửa loại đó.
Tại Israel, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Raytheon, hãng Rafael đã phát triển một hệ thống Iron Dom (Iron Dome). Hệ thống bao gồm radar kiểm soát hỏa lực và các bệ phóng với 20 tên lửa Tamir (mỗi bệ). Đường kính của tên lửa Tamir là 16 cm, chiều dài của nó là 3 m, khối lượng của nó là 90 kg, tốc độ tối đa là 700 m/s.
Theo dữ liệu của Israel, xác suất đánh chặn một tên lửa "địch" của tên lửa Tamir là hơn 85% ở các dải từ 4 đến 70 km.
So với tên lửa MNTK (Miniature Hit-to-Kill) của Mỹ nêu trên đây thì MNTK nhỏ hơn và rẻ hơn Tamir rất nhiều. Tên lửa có thời gian bay trên 15 giây bị chỉ trích, cần thời gian phản ứng nhanh hơn thế.
Kết luận, bài báo đăng trên tập chí oborona.ru khẳng định:
Các doanh nghiệp của ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng cần tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở đặc biệt, trong khu vực gần.
Để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước, hệ thống phòng không của chúng ta không thể "tồn đọng" khu vực quan trọng này (tức là về phòng không tầm cực gần, cực thấp).
Người Nga đã nhận ra điều này, phòng không trong đội hình binh chủng hợp thành, hay nói cách khác là "phòng không lục quân" cũng như phòng không quốc gia Nga rất mạnh, bằng các hệ thống tên lửa cơ động nổi danh (không kể hết ra đây).
Nhưng đối phó với tên lửa tự chế, UAV tập kích hỏa lực gần, đạn DKB, đạn cối… đánh vào các mục tiêu quan trọng như sân bay, sở chỉ huy, kho đạn, kho nhiên liệu…thì đúng là Nga đã chưa chú trọng. Tên lửa phòng không tầm ngắn như Pantsir-S1 "Dao trâu mổ ruồi" thì không phù hợp, lại tốn.
Khen thay bài báo 2 tháng trước đã nói trúng điều mà Nga đã "loạng choạng, lúng túng ít nhiều" trong mấy ngày gần đây.
Căn cứ không quân Khmeimim đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Đại tá Trần Danh Bảng