New Zealand gửi công hàm bác bỏ yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông
Mở đầu công hàm, New Zealand nêu rõ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và công hàm của nước này không phải là phản hồi đối với công hàm của Malaysia được đưa trước đó.
Công hàm của New Zealand khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển. Vì vậy việc hình thành các vùng biển phải được xác định dựa trên công ước này. Công hàm cũng nhấn mạnh vấn đề phân định vùng biển cũng như quyền và trách nhiệm của các quốc gia đối với các vùng biển này nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS.
Công hàm của New Zealand cũng khẳng định quy định của UNCLOS trong việc bảo vệ quyền tự do biển cả bao gồm tự do do hàng hải và hàng không cũng như quyền tự do đi lại không gây hại trong lãnh hải và nhấn mạnh các quyền tự do này được áp dụng đối với tất cả các quốc gia và ở mọi khu vực trên thế giới.
New Zealand gửi công hàm lên LHQ bác bỏ yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông |
Trong công hàm của mình, New Zealand nhấn mạnh không có căn cứ pháp lý cho yêu sách “lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông như đã được nêu trong phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016.
"Hơn nữa, không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia ven biển tuyên bố quy chế quần đảo. UNCLOS quy định rằng các quốc gia quần đảo phải bao gồm toàn bộ một hoặc nhiều quần đảo. Do đó, không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở quần đảo thẳng ở Biển Đông, cũng như không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo ở Biển Đông", công hàm nêu rõ.
Đối với quy chế về các đảo, New Zealand trích dẫn UNCLOS quy định rằng, đá không thể duy trì "sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng" thì không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Đối tượng địa lý hàng hải dù là đá hay đảo hay thực thế nửa chìm nửa nổi sẽ phụ thuộc vào hình thành tự nhiên để được phân định. Không thể thay đổi phân định này thông qua các hoạt động xây dựng đất đai hoặc các biện pháp cải tạo nhân tạo khác
Công hàm của New Zealand cũng tái khẳng định quy định của UNCLOS rằng thực thể nửa chìm nửa nổi nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển không thể tạo nên các vùng biển. Tương tự, các thực thể chìm không làm phát sinh bất kỳ quyền lợi nào. Các thực thể này không phải là đối tượng của các yêu sách chủ quyền cũng như các hành động chiếm giữ.
Trong công hàm của mình, New Zealand cũng khẳng định, phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 là cuối cùng và ràng buộc với các bên.
Trước đó, hôm 23/7, chính phủ Australia đã gửi công hàm lên LHQ, trong đó nêu rõ các yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đặt ra ở Biển Đông là "không phù hợp" với UNCLOS, đồng thời cho biết đây là quan điểm chính thức của Canberra về các công hàm, công thư mà Trung Quốc trình lên LHQ từ cuối năm ngoái liên quan đến Biển Đông.
Đảo nhân tạo trong UNCLOS1982 và hoạt động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông Thời gian qua, Trung Quốc liên tục xây dựng bồi đắp một số thực thể, thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ dùng vũ lực cưỡng chiếm, thành các căn cứ quân sự. Để có cái nhìn đầy đủ hơn, chúng tôi xin cung cấp những tư liệu về thực trạng xây dựng bồi đảo nhân tạo trên thế giới cũng như việc làm trái công pháp quốc tế của Trung Quốc. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông Trong bài phát biểu tại Singapore, người đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ Lloyd Austin cho rằng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở luật pháp quốc tế và sự không khoan nhượng của Bắc Kinh đã vượt ngoài vùng biển này. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm 3 nước ASEAN: Biển Đông sẽ là trọng tâm nghị sự? Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang có chuyến công du thăm ba nước ASEAN: Việt Nam, Philippines và Singapore. Đây cũng chính là ba quốc gia có vị trí quan trọng ở Biển Đông. Vùng biển này cũng được dự đoán là một trong những trọng tâm trong các cuộc gặp gỡ của những người đứng đầu lực lượng quốc phòng của các nước... |