Nếu con muốn leo núi, đừng bắt học bơi !
Đó là quan điểm của chuyên gia tư vấn về sinh trắc vân tay và khai vấn cuộc sống (Life Coaching) Nguyễn Hạnh Tuyết Trinh.
Nguyễn Hạnh Tuyết Trinh: Khi con bạn đưa ra những quyết định về tương lai của nó, hãy tôn trọng và đừng ép con thành bác sỹ hay kỹ sư (như thế hệ chúng tôi đã từng bị). Thay vào đó, hãy cùng con chuẩn bị hành trang thật kỹ để con bạn sẵn sàng lên đường với sự lựa chọn của mình.
Trinh là người sáng lập và điều hành Công ty TNHH Tư vấn Giáo dục KISCenter, đã có hơn 1.000 giờ tư vấn sinh trắc vân tay, giúp được hơn 500 khách hàng kết nối với bản thân mình, yêu thương bản thân và yêu thương những người xung quanh nhiều hơn.
Trao đổi với Thời Đại, Trinh cho biết đó là phần thưởng lớn nhất cô nhận được trong quá trình khởi nghiệp.
Có thể kể một chút về quá trình trải nghiệm của Trinh trước khi tiến hành dự án Startup giáo dục KISCenter năm 2017?
- Giống như nhiều bạn bè cùng lứa, tôi lớn lên trong tình thương và bao bọc của gia đình. Ba mẹ tôi mong muốn con cái có cuộc sống ổn định và hạnh phúc. Tuy nhiên, để tìm được câu trả lời cho thế nào là hạnh phúc thì thật không đơn giản mà mãi sau này tôi mới từ từ ngộ được qua câu nói của Gandhi: Hạnh phúc là khi ta nghĩ, nói và làm giống nhau.
Tôi trải qua 4 năm học đại học khá vất vả vì ngành học không phù hợp với khả năng và sở thích của mình cho nên rất thấu hiểu sự hoang mang trong hành trình đi tìm bản thân. Tuy nhiên, tôi may mắn có được nhiều trải nghiệm để tự khám phá và tìm hiểu bản thân qua 5 năm làm khai vấn (coach), kinh doanh (sale), phục vụ khách hàng và được học với những thầy cô có tư tưởng lớn trong ngành giáo dục như thầy Giản Tư Trung, TS Cherie Carter - Scott người được mệnh danh là Mother of Coaching để rồi tìm ra niềm đam mê thực sự là làm giáo dục.
Công việc của tôi hiện nay đơn giản là giúp mọi người "hiểu nhau" để có thể yêu thương nhau đúng cách.
Start up thực ra chỉ là một công việc. Điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta hạnh phúc khi được làm những điều mình thích và có khả năng nhất, đáp ứng và phục vụ được nhu cầu xã hội. Xã hội chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề để giải quyết. Càng nhiều start up giải quyết và đáp ứng đúng nhu cầu xã hội thì điều đó càng tuyệt vời.
Đam mê làm giáo dục, vậy quan điểm của Trinh về giáo dục đối với trẻ em ở Việt Nam hiện tại như thế nào?
Quan điểm về giáo dục của tôi ảnh hưởng khá nhiều từ Chương trình Phát triển Hạt giống lãnh đạo IPL và từ nhà giáo Giản Tư Trung. Tôi quan điểm giáo dục phải giúp cho chúng ta có khả năng tự phát triển bản thân và độc lập về suy nghĩ.
Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong thời đại phát triển nhanh chóng như bây giờ. Nếu một người thiếu khả năng tự giáo dục, người đó rất dễ tụt hậu và/hoặc phải lệ thuộc vào người khác.
Và một trong những xuất phát điểm quan trọng của giáo dục là thấu hiểu bản thân mình. Từ đó mới có thể tìm được những con đường phát triển phù hợp cho chính bản thân mình.
Khi dư luận xôn xao về HomeSchooling, Trinh đã góp thêm ít “dầu” vào với hy vọng “ngọn lửa” tranh cãi bùng cháy mạnh lên...?
Theo tôi, tranh luận về giáo dục cho con cái là một việc rất nên làm và cần được phản biện thường xuyên trên các diễn đàn xã hội, để các bậc cha mẹ có thêm nhiều thông tin và góc nhìn đa chiều về giáo dục.
Tôi cho rằng HomeSchooling sẽ giúp trẻ điều kiện tốt hơn để phát triển tư duy độc lập, tư duy sáng tạo và tập trung nhiều hơn vào những thế mạnh của trẻ. Điều này càng đúng với môi trường giáo dục Việt Nam khi mà mọi thứ “phải thế này, phải thế kia”, khi mà trẻ không được đưa ra chính kiến của mình...
Ngoài ra, HomeSchooling cũng giúp giảm thời gian học xuống và tập trung vào những môn quan trọng cho tương lai của trẻ.
Phụ huynh không cần lo lắng nếu chọn HomeSchooling thì con của họ không thể tốt nghiệp PTTH để du học, bởi yêu cầu của các trường nước ngoài khi tuyển sinh từ 16-17 tuổi thường chỉ là SAT và tiếng Anh (IETLS, TOEFL). Điều quan trọng là phải xác định trẻ sẽ đi du học ở đâu, ngành nào, trường nào.
Như thế nếu chọn HomeSchooling cho con, cha mẹ cần chuẩn bị gì?
Đầu tiên và quan trọng nhất là thực sự hiểu con, hiểu mong muốn, thế mạnh, đam mê của con. HomeSchooling là khởi đầu cho một con đường dài phải được xây trên nền móng vững chắc. HomeSchooling không phải cho “cha mẹ” mà là cho “con”.
Bởi vậy khi chọn HomeSchooling bạn phải biết được con mình cần học gì? Phương pháp nào thích hợp? Môi trường nào sẽ giúp con phát triển tốt nhất. Bạn sẽ dạy được cho con mình những gì?... Các bậc cha mẹ cần phải có một lộ trình tự tìm hiểu lại bản thân, kiến thức và có phương án lấp lỗ hổng.
Rất khó để chúng ta “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Do đó, cần có một cộng đồng để hỗ trợ cho nhau và đồng thời cho trẻ có bạn bè để vui chơi.
Với HomeSchooling thì một người (vợ hoặc chồng) sẽ phải ở nhà dạy dỗ con. Lúc đó vấn đề tài chính sẽ do người còn lại gánh vác. Ngoài ra, học phí đi du học cũng sẽ là một vấn đề. Nếu trẻ không đạt được học bổng thì học phí cũng cần được tính trước.
Có giải pháp nào khác để con không phải bị rập khuôn bởi cách giáo dục trong trường học hiện nay không?
Nếu bạn chưa chắc chắn lắm về khả năng đi du học của con nhưng lại không hài lòng với phương pháp giáo dục rập khuôn của Việt Nam thì có một giải pháp là vẫn cho trẻ học tại trường công và xây dựng nền móng cho trẻ thông qua các khóa học kỹ năng, tiếng Anh. Nhưng cần chú ý những điểm quan trọng sau:
1. Không quá tập trung vào điểm số của trường và xem trường công như môi trường cho con tương tác, trải nghiệm.
2. Cùng con “học lại” các kiến thức ở trường theo phương pháp mới phù hợp với con mình để cho con thấy sự thú vị của việc học tập đúng phương pháp
3. Cùng con tham gia các khóa học kỹ năng sống nhằm xây dựng các kỹ năng cần thiết để con có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh: phản biện, sáng tạo, tổng hợp, kết nối, bảo vệ bản thân…
4. Cuối cùng và quan trọng nhất: Khi con bạn đưa ra những quyết định về tương lai của nó, hãy tôn trọng và đừng ép con thành bác sỹ hay kỹ sư (như thế hệ chúng tôi đã từng bị). Thay vào đó, hãy cùng con chuẩn bị hành trang thật kỹ để con bạn sẵn sàng lên đường với sự lựa chọn của mình.
Nếu con bạn muốn leo núi thì đừng mất thời gian dạy con học bơi vì khả năng con bạn phải bơi trên núi rất thấp. Thay vào đó nếu biết nhóm lửa hay biết dùng dây thừng sẽ tốt hơn nhiều.
Tôi không khuyên phụ huynh hãy HomeSchooling ngay cho con mình, nhưng nếu thấy nó thích hợp hãy tìm hiểu, thảo luận và tìm những người cùng chí hướng vì chúng ta sẽ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng rất nhiều khi bạn quyết định HomeSchooling cho con.
Như tôi mở KISCenter không những chỉ là đam mê về giáo dục - kinh doanh, mà đó là bước chuẩn bị cho con môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng tiềm năng của con tôi sau này. Cuối cùng tôi vẫn tin rằng một đứa trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình phải có sự kết hợp giữa khả năng tự giáo dục - gia đình - nhà trường.
Vậy Trinh mong muốn cải thiện điều gì ở môi trường giáo dục Việt Nam?
Tôi chỉ có một khao khát là giúp mọi người, đặc biệt là các bậc cha mẹ thấu hiểu bản thân, tận dụng khả năng thiên phú của con mình, đừng bắt con phải thực hiện ước mơ của mình và giúp mọi người liên tục cập nhật và học hỏi những kiến thức mới về nuôi dạy con cái.
Một trong những trụ cột ảnh hưởng lớn đến sự giáo dục của một đứa trẻ vẫn là gia đình. Tôi hy vọng qua các dự án của mình sẽ giúp được các gia đình "hiểu" để giao tiếp và gần gũi nhau hơn. "Hiểu" để biết được rằng tương lai con cái chúng ta sẽ phụ thuộc vào chính cha mẹ và bản thân các em. Kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn chỉ đơn giản là bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ trong từng gia đình.
Tôi đang nỗ lực để có một chương trình đào tạo và hỗ trợ khách hàng dài hạn nhằm giúp họ đi đúng những lộ trình mong muốn về phát triển bản thân, cân bằng cuộc sống và cải thiện mối quan hệ.
Anh Thư Trần