Nắng nóng gia tăng, mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ ngày 27/6
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày hôm nay (25/6), ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất khoảng 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt trong những ngày tới. Ảnh minh họa: TTXVN |
Ngày mai (26/6), nắng nóng có khả năng xảy ra trên diện rộng ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50-65%; thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-16 giờ. Nắng nóng xảy ra cục bộ ở Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất khoảng 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Khu vực Hà Nội từ ngày 25/6 đến ngày 26/6, có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Từ ngày 27/6, nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Lý giải về nguyên nhân của đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, các chuyên gia khí tượng cho rằng xuất phát từ vùng áp thấp nóng phía Tây, cộng thêm tác động hiệu ứng gió phơn. Khi hai hiệu ứng này kết hợp với nhau đã gây ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng cho cả hai khu vực trên.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Để phòng, chống nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn.
Người dân nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Người dân nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát (như linen, cotton, lụa...), dễ thấm mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì dễ hấp thụ nhiệt; đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi; đeo kính râm để bảo vệ mắt... Ngoài ra, người dân cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.